Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án được giải quyết tăng qua từng năm, cụ thể: Năm 2018 cấp được 13.026 căn. Năm 2019 cấp được 12.331 căn. Năm 2020 cấp được 16.528 căn. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, đã giải quyết cấp giấy chứng nhận được 12.476 căn nhà, dự kiến 3 tháng cuối năm sẽ cấp thêm được 6.500 căn nhà (trong đó: 4.448 căn nhà đã phát hành phiếu chuyển thuế và đang chờ người mua nhà thực hiện đóng thuế; 2.052 căn dự kiến tiếp nhận, giải quyết trong 03 tháng cuối năm).
Trong hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 31/5/2021, số lượng hồ sơ cấp giấy chứng nhận đạt được 3.462.
Từ ngày 1/7/2014, Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, Sở TN&MT đã tiếp nhận và giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 352 dự án. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận được 85.046 căn bao gồm căn hộ và nhà ở thấp tầng.
Tuy nhiên, hiện lượng nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận vẫn còn rất nhiều, mặc dù người mua nhà đã nhận bàn giao và đã vào ở ổn định, điều này ảnh rất lớn đến thị trường bất động sản, lợi ích của người dân, cũng như uy tín của chủ đầu tư dự án.
Thực tế, quá trình thực hiện dự án phát triển nhà ở của chủ đầu tư trải qua nhiều bước, nhiều giai đoạn với sự chi phối, áp dụng thực hiện nhiều pháp luật có liên quan. Trong đó, chủ đầu tư một số dự án phát triển nhà ở có vi phạm ở một hoặc một số quy định của các pháp luật có liên quan như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về tài chính tín dụng dẫn đến việc chủ đầu tư nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua còn chậm hoặc việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận của cơ quan đăng ký chưa đảm bảo được nhu cầu cấp giấy chứng nhận của người mua nhà, chủ đầu tư dự án.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, mục tiêu từ nay đến tháng 12/2023, Sở TN&MT cùng các sở, ngành và chủ đầu tư dự án giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 37.421 căn nhà đã đủ điều kiện. Đồng thời, tháo gỡ những dự án còn vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận cho người mua, cụ thể như: Những dự án có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch... và vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới (shophouse, Officetel).
Sở TN&MT sẽ cùng với Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố để đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở... Qua đó sẽ thu về cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng nghĩa vụ tài chính của các dự án và cá nhân
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất các giải pháp giúp tăng thu ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, nhấn mạnh việc tháo gỡ ngay “ách tắc, vướng mắc” về tính tiền sử dụng đất và cấp “sổ đỏ” cho các dự án.
Theo HoREA, việc chưa xác định tiền sử dụng đất dự án vừa làm giảm nguồn thu ngân sách thành phố; vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người mua nhà vì không được cấp “sổ đỏ” để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà. Nếu khẩn trương giải quyết hồ sơ nộp tiền sử dụng đất của hàng chục dự án nhà ở thương mại thì ngân sách nhà nước của thành phố sẽ có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng.
Mai Nam
Cạm bẫy 'sổ đỏ'
Ngày nay, các hình thức lừa đảo mua bán nhà đất xuất hiện ngày càng nhiều và thủ đoạn cũng ngày một tinh vi, nhắm tới cả người bán và người mua.