-Bên cạnh những gam màu sáng thì thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro và những vụ tranh chấp kéo dài.
Đặt cọc 100 triệu để được hưởng quyền thuê 2 căn hộ tại quận 10, chị T cho biết, lúc xuống tiền, môi giới nói dự án này thuê đất bên quốc phòng, có ngân hàng bảo lãnh, chủ đầu tư uy tín, ngoài ra không đưa giấy tờ gì hết vì bảo là hồ sơ quân đội nên giữ bí mật.
“Sau đó, tôi đến ngân hàng được biết là họ chưa bảo lãnh cho dự án này. Nghi ngờ, tôi điện thoại cho môi giới, đòi cung cấp hồ sơ pháp lý, họ gửi cho tôi tập hồ sơ dự án nhưng hoàn toàn không có tên chủ đầu tư uy tín mà môi giới này đã nói.
Tìm hiểu kỹ pháp lý sẽ giúp hạn chế rủi ro khi giao dịch |
Tôi yêu cầu gửi: Văn bản chấp thuận chủ đầu tư; Giấy phép xây dựng; Hồ sơ qui hoạch được duyệt; Bảo lãnh của ngân hàng; Văn bản của cơ quan quản lý về việc dự án đủ điều kiện được bán… nhưng không nhận được trả lời.
Cuối cùng tôi đến công ty, và họ cho xem hợp đồng hợp tác đầu tư với một đơn vị hợp tác đầu tư dự án này (tức là họ chỉ là B') và được biết họ chưa được bộ chủ quản đồng ý cho hợp tác đầu tư, hợp đồng này ký năm 2012, đến nay đã hết hiệu lực.
Tôi không đồng ý ký hợp đồng đặt cọc và đòi lại tiền. Sau nhiều lần tiếp xúc, thậm chí dọa kiện họ mới đồng ý trả lại tiền… khi chuyển nhượng được căn hộ cho khách hàng khác”.
Việc không tìm hiểu kỹ pháp lý dẫn đến rủi ro trong quá trình giao dịch là tình huống khá phổ biến. Phản ánh đến báo VietNamNet, khách hàng Đ.N.Đ cho hay, mua đất nền của Công ty TNHH TV - TM - DV Địa ốc Hoàng Quân, hơn 10 năm mà Công ty Hoàng Quân vẫn chưa giao nền và giấy chứng nhận như cam kết.
Lý giải sự chậm trễ ra giấy chủ quyền, Hoàng Quân cho biết, theo nội dung hợp đồng, dự kiến quý II/2005 sẽ bàn giao nền và tháng 12/2005 sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng. Ngày 28/08/2004, Hoàng Quân ký hợp đồng chuyển nhượng góp vốn để xây dựng nhà ở với ông Đ.N.Đ, nhưng đến ngày 29/10/2004 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ban hành quy định không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới mọi hình thức. Do đó, phải xây nhà, hoàn công rồi mới ra sổ hồng.
Tuy nhiên, khi được hỏi thời điểm ký hợp đồng với khách hàng nói trên, dự án của Hoàng Quân đã có đủ điều kiện pháp lý cần thiết chưa thì Hoàng Quân không có câu trả lời cụ thể mà chỉ cho biết công ty chỉ là đơn vị hợp tác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở đối với một số lô đất tại dự án.
Nhiều khách hàng mua đất tại dự án Anh Tú Garden cũng dở khóc dở cười vì dự án đã hoàn thành cơ sở hạ tầng nhưng không được xây dựng vì chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất. Anh P.H.T, một khách hàng mua đất dự án này cho biết: “Hồi cuối năm 2011, dự án rao bán giá khoảng 6,5 triệu đồng/m2, chủ đầu tư hứa sẽ bàn giao nền sau khoảng 2 tháng. Lúc đó, dự án đã làm xong khoảng 50% cơ sở hạ tầng, mức giá cũng hợp lý. Không ngờ của rẻ là của ôi! May nhờ có người quen tác động nên mới thu được tiền về, chứ nhiều khách hàng giờ tiến thoái lưỡng nan”.
Thực tế nhiều vụ tranh chấp diễn ra cho thấy khách hàng vẫn chưa có thói quen tìm hiểu pháp lý dự án trước khi đặt bút ký. Theo các chuyên gia, các dự án có vấn đề về pháp lý thường thu hút khách bằng chiêu “giá rẻ bất ngờ”, nhưng ẩn sau đó là rất nhiều rủi ro. Người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm. Do đó, khách hàng không nên chỉ vì dự án chào giá quá hấp dẫn mà xuống tiền ngay.
Quốc Tuấn
TP.HCM: Căn hộ giá trên dưới 1 tỷ/căn thành “hàng nóng”