TPHCM rà soát mạng lưới đường bộ, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga… để lập danh sách những vị trí đủ điều kiện xây dựng, lắp đặt trạm sạc xe điện.
UBND TPHCM vừa giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và địa phương về việc rà soát vị trí xây dựng hệ thống cấp điện, năng lượng xanh, hạ tầng trạm sạc phục vụ phương tiện giao thông điện trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Sở Giao thông vận tải được giao chủ trì phối hợp Sở Công thương và các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát mạng lưới đường bộ, các cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga...
Sau đó, Sở Giao thông vận tải sẽ lập danh sách các vị trí đủ điều kiện để xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc điện, có nơi đỗ xe và phương án đấu nối giao thông phù hợp và trình cấp thẩm quyền xét duyệt.
Sở này cũng được giao phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai lắp đặt các trạm sạc điện, lập phương án tổ chức quản lý và khai thác; khẩn trương rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong việc thúc đẩy chuyển đổi phương tiện đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh; báo cáo, tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện, hoàn thành trong quý 4.
UBND TPHCM giao Sở Công thương chủ trì ban hành hướng dẫn hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn về thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho các trạm sạc và thực hiện việc kết nối hệ thống trạm sạc điện vào hệ thống điện lưới, báo cáo kết quả trước ngày 30/11.
Các Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương và Công an TPHCM được giao rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với công trình hạ tầng giao thông điện.
TPHCM đang xây dựng một đề án phát triển giao thông xanh quy mô, với kỳ vọng sẽ "xanh hóa" xe buýt từ nay đến năm 2030. Dự kiến, đề án này sẽ được UBND trình HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp tháng 12 tới.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Giao thông vận tải tính toán trong giai đoạn 2025-2030, TPHCM cần hơn 34.000 tỷ đồng để chuyển đổi từ xe buýt sử dụng năng lượng hóa thạch sang xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh.
TPHCM dự kiến đầu tư trên 25 vị trí với 269 trụ sạc loại 480kW, 4 thiết bị sạc/trụ. Ước tính tổng kinh phí đầu tư, vận hành, bảo trì trong giai đoạn 2025-2030 để chuyển đổi xe buýt điện hơn 2.000 tỷ đồng.
200 xe điện loại 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô TP.HCM gồm các quận 1, 4, 5 và 6 sẽ được thí điểm trong hai năm, bắt đầu từ quý 1 năm nay.
Việc mở thêm 3 tuyến xe điện nhằm vận chuyển khách du lịch và người dân từ các bến tàu của tuyến buýt đường sông đến các điểm du lịch nổi tiếng của TP và các khu dân cư.