UBND TP.HCM đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do nhà nước quản lý, đồng thời xây dựng đề án cho tổ chức được huy động nguồn vàng nhàn rỗi trong dân cư để phát triển kinh tế - xã hội.
UBND TP HCM vừa gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) góp ý tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Thời điểm chín muồi
Theo UBND TP, sau hơn 4 năm ra đời, Nghị định 24 đã giúp thị trường vàng miếng có sự quản lý của nhà nước. Trước đây, khi có sự biến động bất thường, người dân đổ xô mua bán vàng tạo ra sự bất ổn của thị trường. Nay, sự hấp dẫn của vàng miếng ngày càng giảm, tâm lý của người dân ổn định trước những thông tin và các hình thức thanh toán vàng hầu như chấm dứt, tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng dần được kiểm soát…
Các giải pháp chấm dứt hoàn toàn huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng đang được triển khai. Tính đến cuối tháng 9-2016, các NH trên địa bàn TP đã tất toán toàn bộ số dư huy động vàng. Tổng dư nợ cho vay vốn bằng vàng của 6 NH thương mại hiện còn khoảng 21.600 lượng và đang từng bước tất toán toàn bộ dư nợ cho vay theo quy định. Hoạt động giữ hộ vàng của tổ chức tín dụng cũng được quản lý nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng và NH.
Trước đây giá vàng biến động cũng thường ảnh hưởng đến tỉ giá thông qua hoạt động nhập lậu vàng, gây sức ép tăng tỉ giá và tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu vàng, gián tiếp làm lạm phát tăng cao. Đến nay các giải pháp trong quá trình chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế đã làm biến động giá vàng không còn ảnh hưởng nhiều đến tỉ giá, lạm phát và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…
Trong điều kiện này, TP HCM cho rằng tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế từng bước được đẩy lùi và có thể tạo tiền đề cho việc thực hiện đề án huy động nguồn vàng nhàn rỗi trong dân để phát triển kinh tế thông qua quan hệ mua - bán vàng. UBND TP đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do nhà nước quản lý; NHNN nghiên cứu xây dựng đề án huy động nguồn vàng nhàn rỗi từ trong dân cư.
Huy động vàng để làm gì?
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất lập sàn giao dịch vàng vật chất, nghiên cứu phương án huy động nguồn vàng nhàn rỗi trong dân được đưa ra. Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng có văn bản đề xuất nghiên cứu giải pháp huy động vàng trong dân và thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng; đồng thời góp phần huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế. Bởi từ tháng 3-2010, các hoạt động sàn giao dịch vàng tài khoản đã chính thức bị cấm theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Đến giữa năm 2011, các NH thương mại cũng ngừng huy động và cho vay vàng theo yêu cầu của NHNN. Từ đó đến nay, phần lớn người giữ vàng tại nhà khiến một nguồn lực vàng rất lớn chưa được khơi thông. Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiện còn khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong dân, do từ nhiều năm qua Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, xuất khẩu không đáng kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết sau nhiều lần đề xuất về chủ trương huy động vàng trong dân, thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, lãnh đạo hiệp hội đã từng “ngồi lại” với Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN nhưng chưa có giải pháp cụ thể nào được triển khai. “Nay TP HCM đề xuất nghiên cứu lại giải pháp huy động vàng trong dân và lập sàn giao dịch vàng vật chất là tín hiệu tích cực” - ông Long nói.
Phương án từng được Hiệp hội Kinh doanh vàng đưa ra nhằm huy động vàng trong dân là đề xuất NHNN nghiên cứu sớm thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và có đề án huy động vàng trong dân. Thông qua Sở Giao dịch vàng quốc gia, nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động nguồn lực này. Sở giao dịch này sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ nhập khẩu vàng và góp phần xóa bỏ các sàn vàng chui…
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín lại cho rằng nên sớm lập sàn giao dịch vàng quốc gia về vàng vật chất chứ không nên lập sàn giao dịch vàng tài khoản. Theo đó, vàng của người dân sẽ gửi vàng trên sàn giao dịch này, lấy chứng chỉ huy động vàng từ NHNN và được hưởng mức lãi suất đủ hấp dẫn. Như vậy, nhà nước sẽ lấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng vật chất hay chứng chỉ vàng để bù vào phần lãi suất phải trả cho người gửi vàng trên sàn. “Nhưng việc kinh doanh trên sàn của nhà nước phải dựa trên nguyên tắc cơ bản là luôn cân bằng trạng thái vàng, chứng chỉ vàng và chỉ lấy mức chênh lệch giá từ môi giới làm lợi nhuận” - ông Tín lưu ý.
Ngoài ra, vàng được giao dịch trên sàn phải được chuẩn hóa theo quy định của NHNN, chẳng hạn lấy vàng SJC làm chuẩn. Với chứng chỉ vàng, người dân sẽ được hưởng lãi suất và được trao đổi mua bán trên sàn giao dịch với điều kiện nhà nước phải có nhiều sản phẩm dịch vụ cho các chủ thể tham gia; đồng thời, thông qua sàn giao dịch vàng vật chất các chứng chỉ vàng có thể được trao đổi với cả khách hàng trong và ngoài nước…
“Thay vì phải nhập khẩu vàng nguyên liệu tốn ngoại tệ, NHNN có thể thông qua sàn giao dịch vàng vật chất để huy động nguồn vàng trong dân cung cấp vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng và lấy nguồn nguyên liệu để sản xuất vàng SJC” - TS Bùi Quang Tín nhận xét.
Ở góc nhìn khác, lãnh đạo một NH cổ phần quy mô lớn, từng tham gia bán vàng huy động ra bình ổn thị trường trước đây, cho rằng muốn huy động vàng phải làm rõ việc “huy động vàng trong dân để làm gì?”. Trước đây NH thương mại huy động vàng thường cho khách hàng vay để mua bán bất động sản hoặc cho doanh nghiệp vàng vay… “Cần tính toán kỹ bài toán huy động vàng trong dân rồi sử dụng nguồn lực này ra sao để hiệu quả, nếu không sẽ rất rủi ro” - vị lãnh đạo NH này nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 1-11, một lãnh đạo cấp vụ của NHNN cho biết chưa nhận được văn bản của UBND TP HCM đề xuất nghiên cứu huy động vàng trong dân và thành lập sàn giao dịch vàng vật chất. Tuy nhiên, vị này nói câu chuyện “huy động vàng” có thể được hiểu theo cách khi nền kinh tế ổn định, bảo đảm giá trị đồng nội tệ và các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn… thì người dân có thể chuyển tài sản tích trữ từ vàng miếng sang các loại tài sản khác.
...
Nên cho doanh nghiệp vàng trang sức vay VNĐ? Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, dù thông tư của NHNN không cấm các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn để mua vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng phải được sự chấp thuận của thống đốc. Và đã hơn 4 năm nay chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn dù vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường. NHNN cũng không có văn bản nào hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, điều kiện để doanh nghiệp trình thống đốc chấp thuận cho vay vốn. Để giải quyết tình trạng này, UBND TP cũng đề nghị NHNN cần xem xét cho các tổ chức tín dụng được vay vốn bằng VNĐ nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phát triển. |
Theo NLĐ