Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về việc đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo yêu cầu của Bộ.

{keywords}
Theo Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP không thí điểm hợp nhất các sở, ngành vì áp lực công việc là rất lớn. Ảnh: HV

Theo ông Phong, hiện nay TP có 20 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP và 12 cơ quan trực thuộc cấp quận, huyện. Bộ Nội vụ có đề nghị thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn nói trên, nhưng UBND TP không đăng ký với các lý do khách quan.

Thứ nhất, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa, GD-ĐT, Khoa học công nghệ; là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu có sức thu hút, lan tỏa mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP.HCM có số dân đông nhất cả nước, gần 9 triệu dân, vì vậy khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều và có xu hướng càng tăng lên, tạo áp lực lớn đối với bộ máy và đội ngũ cán bộ…

Do đó, việc thí điểm hợp nhất cần được nghiên cứu chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả trước khi đăng ký thí điểm.

“Hơn nữa, việc hợp nhất cần được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo thành hệ thống bộ máy xuyên suốt về chức năng, nhiệm vụ trong quản lý, điều hành”, báo cáo có ghi.

Thứ hai, TP đang thí điểm việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm theo sự cho phép của Thủ tướng. Ngoài ra, TP cũng đang trình Thủ tướng cho phép thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị trực thuộc cấp quận, huyện, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính. Tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong thực tiễn hiện nay.

Lý do thứ ba, TP đang xin chủ trương Trung ương cho phép xây dựng Đề án mô hình chính quyền đô thị. Vì vậy, cần ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn… nên không thí điểm hợp nhất.

Cũng theo ông Phong, trước đây góp ý dự thảo về sáp nhập các cơ quan chuyên môn, UBND TP cũng có ý kiến không hợp nhất các cơ quan chuyên môn nói trên.

{keywords}
Với dân số gần 9 triệu dân, khối lượng giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan chuyên môn TP.HCM là rất lớn và áp lực. Ảnh: TL

Trước đó, Bộ Nội yêu cầu các địa phương đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn, ở cấp tỉnh sẽ giảm xuống còn 4 đầu mối và ở cấp huyện giảm còn 3 đầu mối.

Theo đó, ở cấp tỉnh, thí điểm hợp nhất Sở Tài chính với Sở KH&ĐT thành Sở Tài chính và Kế hoạch; Sở GTVT với Sở Xây dựng thành Sở GTVT và Xây dựng; Sở Nội vụ hợp nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra cấp tỉnh với UB Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra.

Ở cấp huyện, thí điểm hợp nhất Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ; Thanh tra cấp huyện với UB Kiểm tra cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra; hợp nhất Văn phòng HĐND, UBND với Văn phòng cấp ủy cấp huyện thành Văn phòng cấp huyện.

Hồ Văn

Sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

Sẽ xem xét sáp nhập một số bộ ngành trong nhiệm kỳ 2021 - 2026

 Trong năm 2020, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.