Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và mang lại tiện ích người dân trong thực hiện giao dịch, thương mại và thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

phusongdidong
TPHCM không còn vùng lõm sóng di động tại khu vực dân cư tập trung. Ảnh minh hoạ: VNPT

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, TPHCM có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương, chỉ số Dịch vụ Trực tuyến Địa phương (LOSI) của thành phố đã tăng từ vị trí 54/146 lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới được khảo sát vào năm 2023.

Bên cạnh sự chỉ đạo tập trung từ các cấp, một trong những yếu tố giúp cho chuyển đổi số TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 là việc phát triển hạ tầng số, trong đó nổi bật là hạ tầng viễn thông. 

Hiện 100% địa bàn thành phố được phủ sóng thông tin di động, không có vùng lõm sóng tại khu vực dân cư tập trung; 100% mạng cáp quang băng rộng được triển khai đến các khu phố/ấp; triển khai ngầm hóa mạng cáp viễn thông treo kết hợp với ngầm hóa lưới điện khi thi công các công trình giao thông công cộng và cải tạo vỉa hè. 

Thành phố cũng tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) mạng 5G tại khu vực trung tâm, khu vực tập trung đông dân cư; từng bước thu hồi các trạm BTS 2G (ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao sử dụng điện thoại 2G only này kể từ ngày 16/10/2024) tại các khu vực này, nhằm tạo không gian phát triển trạm BTS 5G.

Song song đó, TPHCM cũng ban hành kế hoạch về phát triển hạ tầng mạng lưới trạm thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn năm 2024, nhằm hướng tới phát triển 5G trên địa bàn thành phố; phối hợp với Viettel TPHCM xây dựng mạng cáp truyền dẫn để cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định (cáp quang) cho các hộ gia đình tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. 

Ngoài ra, TPHCM cũng tiến hành hỗ trợ trang bị thiết bị thông tin liên lạc (smartphone) và dịch vụ viễn thông di động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố nhưng chưa có điện thoại thông minh, với mức hỗ trợ dự kiến là không quá 3.000.000 đồng/hộ gia đình. Dự kiến chính sách này sẽ được triển khai thực hiện hỗ trợ và hoàn thành trước 30/4/2025

Về hạ tầng dữ liệu, Trung tâm dữ liệu thành phố tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) được đảm bảo vận hành với hơn 1.211 máy chủ trên nền tảng điện toán đám mây dùng chung, kết nối 818 điểm các cơ quan nhà nước qua đường truyền mạng chuyên dùng (mạng băng thông rộng Metronet).

Bên cạnh đó, TPHCM cũng hoàn tất rà soát nhu cầu nâng cấp máy tính, trang thiết bị đầu cuối tại cơ sở từ thành phố đến cấp phường xã thị trấn, trụ sở công an phục vụ Đề án 06 và chuyển đổi số.

Theo đó, thành phố đã bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện trang bị và nâng cấp bổ sung 3.320 máy tính và thiết bị đầu cuối (thiết bị scan, máy in, kiosk) với tổng kinh phí gần 185 tỷ đồng.

Trong năm 2025 để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, TPHCM sẽ tập trung phát triển hạ tầng số thành phố, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về hạ tầng tính toán, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu.

Tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố, cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin.