"Đề nghị ngành y tế tăng tốc tiêm chủng"

Trong họp báo chiều 23/12, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cho biết, hiện đang có 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ cao sau 15 ngày rà soát. 

{keywords}
Hơn 24.000 người thuộc nhóm nguy cơ ở TP.HCM chưa tiêm vắc xin Covid-19.

Trong đó, 41.379 người tiêm một mũi vắc xin (7,1%); 518.304 người tiêm 2 mũi (88,7%).  Đáng lưu ý, có đến 24.420 người trong nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc xin chiếm tỷ lệ 4,2%. Đến nay, TP.HCM mới tiêm thêm 4.397 người trong số hơn 24.000 trường hợp trên (chiếm 18%).

“Tốc độ tiêm với nhóm người nguy cơ này còn chậm. Đề nghị ngành y tế tăng tốc hơn”, ông Phạm Đức Hải thẳng thắn nhắc nhở.

Trong chiến dịch này, các địa phương đã tiến hành 2 đợt xét nghiệm với tổng số lượt là 737.753, ghi nhận 3.918 ca nhiễm Covid-19. Những F0 này, kể cả không triệu chứng vẫn phải có túi thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir).

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, các bác sĩ mạng lưới thầy thuốc đồng hành, y tế cơ sở sẽ đến tận nhà, hỏi từng người về nguyên nhân chưa tiêm ngừa. Sau đó, tiến hành vận động, thuyết phục người dân đồng ý tiêm vắc xin. 

TP nhận định, chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ đang đi đúng hướng và bước đầu thành công.

Ông Phạm Đức Hải dẫn chứng, ngày đầu tiên của chiến dịch (7/12), TP ghi nhận 75 ca tử vong. Những ngày gần đây, số tử vong đã giảm. Ngày 20/12 có 58 ca, ngày 21/12 có 46 ca, ngày 22/12 có 44 ca.

Ngoài ra, số xuất viện đang dần cao hơn số nhập viện.

Cụ thể, trong ngày 18/12, nhập viện 747 ca -  xuất viện 794; ngày 19/12, nhập viện 674 ca – xuất viện 817 ca; ngày 20/12, nhập viện 1799 ca – xuất viện 1031 ca; ngày 21/12, nhập viện 645 ca – xuất viện 805; ngày 22/12 nhập viện 620 ca – xuất viện 911 ca.

“Đây có thể là dấu hiệu thành công”, ông Hải nhận xét.

Hoàn thành tiêm mũi 3 trước tết Nguyên đán

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết, từ đầu tháng 12, TP.HCM đã dự kiến sẽ hoàn tất tiêm mũi 3 vào quý 1/2022. Sau đó, Bộ Y tế điều chỉnh quy định thời gian tiêm chủng với nhiều đối tượng (rút ngắn thời gian từ 6 tháng còn 3 tháng với liều nhắc lại, F0 đã khỏi bệnh được tiêm ngay sau khi hoàn thành cách ly…)

Trong đợt tiêm này, TP xác định, đối tượng ưu tiên số một là người thuộc nhóm nguy cơ. Bên cạnh đó, thực hiện tiêm mũi bổ sung cho người suy giảm miễn dịch; tiêm nhắc lại với nhóm nguy cơ cao đã tiêm liều cơ bản và đủ thời gian 3 tháng; người dân đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 sẽ được lập danh sách, rà soát, tiến hành tiêm mũi 3 cho toàn dân.

{keywords}
Người bệnh suy giảm miễn dịch được ưu tiên tiêm mũi bổ sung.

Nhân sự y tế thời điểm này sẽ tập trung tối đa vào tiêm vắc xin, hồi sức cấp cứu cho các điểm tiêm. Trước đây, TP đã có thời điểm đạt công suất từ 100.000 đến 200.000 mũi tiêm với 1.400 nhân sự.

“TP sẽ cố gắng hoàn thành tiêm đợt này trước tết Nguyên đán, nghĩa là tiêm toàn bộ trong tháng 1 dương lịch”, bà Mai chia sẻ.

Liên quan đến nhu cầu ô xy trong điều trị bệnh nhân Covid-19, hiện TP đang sử dụng khoảng 170 tấn ô xy lỏng/ngày. Tuy nhiên, với tình hình ca mắc mới còn cao, số ca sử dụng máy thở còn nhiều, TP dự báo cần đến 350 tấn ô xy lỏng/ngày.

Trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, TP sử dụng đến 380 tấn ô xy lỏng/ngày nhưng có 11 đơn vị cung cấp ô xy. Hiện nay, chỉ còn 5 đơn vị. Nguyên nhân là một số cơ sở tập trung sản xuất ô xy công nghiệp vì nhu cầu sản xuất thép tăng cao.  

Trước tình hình trên, UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương điều phối sản xuất ô xy công nghiệp và ô xy lỏng, để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Linh Giao

Tại sao đã tiêm vắc xin, 327 nhân viên một bệnh viện ở TP.HCM vẫn nhiễm Covid-19

Tại sao đã tiêm vắc xin, 327 nhân viên một bệnh viện ở TP.HCM vẫn nhiễm Covid-19

Từ tháng 1 đến tháng 9/2021, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) ghi nhận 327 nhân viên y tế mắc Covid-19, trong đó chủ yếu là các nữ điều dưỡng.