Giãn cách chưa nghiêm, siết chặt kỷ cương trong tuần cuối

Sáng nay (20/6), TP.HCM tiếp tục ghi nhận thêm 46 ca Covid-19, trong đó, có 41 trường hợp F1 và 5 ca chưa rõ nguồn lây. Như vậy, tính từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 1.496 ca mắc trong nước, cao thứ 3 cả nước, sau Bắc Giang và gần sát với Bắc Ninh.

Đáng nói, sau khi kiểm soát được ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, gần đây, các ca mắc mới đều là người tiếp xúc của những chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.

{keywords}
Ca mắc Covid-19 ở TP.HCM tiếp tục tăng, TP.HCM dồn lực chống dịch tỏng 1 tuần cuối giãn cách. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh trên địa bàn, trưa 19/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM họp khẩn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong và đều thống nhất quan điểm phải nâng mức độ giãn cách xã hội.

Nhấn mạnh về diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, toàn TP đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm, nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.

Theo Bí thư Thành ủy, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin nhưng để vắc xin hoạt động hiệu quả cần có thời gian.

Do đó, theo người đứng đầu Thành ủy, trước mắt vẫn cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để và tầm soát diện rộng. Đồng thời có biện pháp kiểm soát và giảm bớt dòng người đến TP.HCM.

Chiều tối cùng ngày, khi chủ trì cuộc họp báo để thông tin về các quyết định quan trọng, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, họp báo chỉ diễn ra 30 phút, vì sau đó Ban Chỉ đạo của TP sẽ còn họp tiếp về công tác tiêm phòng vắc xin.

Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức cho biết, do phát sinh các chuỗi lây nhiễm mới như ở quận Bình Tân, TP quyết định áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại một số khu vực.

Ông Đức cũng nhìn nhận, một trong các lý do làm chặt hơn là do các chỉ đạo của TP chưa thật sự được thực hiện nghiêm trong thời gian qua. Do đó, TP cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn, siết lại kỷ cương, tăng cường tốc độ xử lý các ổ dịch, vượt qua và chặn đứng dịch lây lan.

Và đến 21h cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM chính thức đặt bút ký Chỉ thị số 10 về siết chặt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Chính quyền TP quyết định vẫn áp dụng Chỉ thị 15, trong khi nâng mức phong tỏa tại 3 khu phố thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân) và 3 ấp thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) trong 14 ngày, từ 0h ngày 20/6. Đây là 2 nơi được đánh giá có mối nguy hiểm cao nhất hiện nay; người dân không ra khỏi nhà, chỉ trừ khi có việc cần thiết.

Theo Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức, TP áp dụng những biện pháp cụ thể với hoàn cảnh hiện nay không căn cứ theo các chỉ thị một cách toàn bộ, cơ bản dựa trên quy định của Bộ Y tế và đánh giá nguy cơ của địa phương.

Trong đó có các mức: bình thường mới, mức là có dịch, mức nguy cơ cao. Nơi có nguy cơ cao nhất áp dụng phong tỏa, toàn TP sẽ áp dụng biện pháp tương ứng với từng nguy cơ.

Tổng lực một tuần chặn đứng dịch bệnh

Đặc điểm lớn nhất của đợt dịch này là chủng virus Delta lây nhiễm mạnh trong gia đình, khu dân cư, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, chung cư, các cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lây lan rất nhanh và rộng trên địa bàn.

Chính quyền TP nhận định, diễn biến của dịch bệnh đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường. Số người nhiễm bệnh tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng con số này tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây”.

{keywords}

TP.HCM ra chỉ thị riêng, áp dụng giãn cách theo từng khu vực và nguy cơ. (Ảnh kiểm soát dịch tại Gò Vấp những ngày thực hiện theo Chỉ thị 16: Trương Thanh Tùng)

Ông Phong yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tự rà soát, đánh giá lại năng lực y tế trên địa bàn, nhất là khả năng đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung để tính toán phương án phù hợp ở góc độ địa phương.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thêm, những ngày gần đây, TP.HCM liên tiếp ghi nhận số ca bệnh hơn 100 ca/ngày. Đỉnh điểm ngày 17/6, TP ghi nhận 137 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ.

Dù tình hình dịch bệnh đang phức tạp, lan ra khắp nơi nhưng ông Dương Anh Đức cho biết, TP đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để đối phó, trong đó có kịch bản 5.000 người mắc bệnh. Khi gần đến 5.000 ca lại phải chuẩn bị cho phương án 10.000 ca.

Về năng lực xét nghiệm, hầu hết các bệnh viện đều có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm nCoV cho người dân. TP có thể đáp ứng được 500.000 mẫu xét nghiệm/ngày.

Từ những điều trên, ông Đức khẳng định, dù dịch tại TP phức tạp, nhưng hệ thống y tế có thể đáp ứng được. "Hiện TP chưa cần nguồn lực chi viện của các địa phương khác", ông Đức nói. 

Ông Đức cũng cho biết, TP đang tìm mọi cách đề người dân thành phố có thể tiếp cận với vắc xin. Trong thời gian chờ vắc xin, người dân không nên lo lắng, hãy tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế và khai báo y tế đầy đủ.

TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm hai tuần từ ngày 14/6, riêng Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 cũng chuyển từ Chỉ thị 16 xuống 15 cùng TP. Đây là đợt giãn cách lần thứ hai, khi trước đó TP đã có đợt một 15 ngày từ 31/5, trong đó quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc quận 12 áp dụng theo Chỉ thị 16.

Như vậy, chỉ còn một tuần nữa sẽ hết thời gian giãn cách lần hai, kết thúc một tháng ròng rã đầy khó khăn của TP lớn nhất cả nước. Chính quyền TP đặt quyết tâm cao, phải khống chế được dịch bệnh trong tuần cuối này.

Phó chủ tịch TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, cần phải xốc lại tinh thần làm việc. Ông kêu gọi người dân hợp tác, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Tuần tới là thời gian rất quan trọng để chặn đứng dịch bệnh. Vì vậy, đơn vị, cá nhân nào không nghiêm túc thực hiện sẽ bị xử lý ngay lập tức", ông Đức khẳng định.

Trong một diễn biến khác, sáng 19/6, UBND TP.HCM đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại khu công nghệ cao (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức).

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Quốc gia vừa phân bổ 786.000 liều vắc xin cho TP.HCM ngay khi tiếp nhận gần 1 triệu liều của Nhật Bản.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất TP với tốc độ triển khai chỉ trong 5 ngày. 

Theo ông Hưng, nếu thực hiện đúng tiến độ, TP sẽ tiêm cho khoảng 200.000 người mỗi ngày và dự kiến hoàn tất chiến dịch trước ngày 27/6.

 

Chỉ thị 10 của TP.HCM về siết chặt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 có 6 điểm mới:
Thứ nhất, tạm dừng các loại hình dịch vụ, kinh doanh không cần thiết và ngưng hoạt động chợ tự phát. Chợ truyền thống sẽ do Sở Công Thương hướng dẫn quy định giãn cách chi tiết tới từng địa phương. Đồng thời, dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa).
Thứ hai, là không tụ tập trên 3 người ở nơi công cộng. Khoảng cách giữa người với người tối thiểu 1,5 m.
Thứ ba, là yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết.
Thứ tư, là cơ sở sản xuất hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m, đeo khẩu trang; có văn bản cam kết tuân thủ phòng chống dịch.
Thứ năm, cơ quan Nhà nước đảm bảo giãn cách khi làm việc. Doanh nghiệp chỉ đến công sở khi thực sự cần thiết.
Thứ sáu, dừng các hội họp không cần thiết, chỉ tổ chức cuộc họp thực sự quan trọng và được chính quyền địa phương cho phép.

>>> Xem thêm tình hình dịch covid-19 tại TP.HCM mới nhất

Đức Bảo

TP.HCM tiếp tục thực hiện chỉ thị 15, nâng mức phong tỏa một số khu vực

TP.HCM tiếp tục thực hiện chỉ thị 15, nâng mức phong tỏa một số khu vực

Chính quyền TP.HCM quyết định vẫn áp dụng Chỉ thị 15, trong khi nâng mức phong tỏa tại 3 khu phố thuộc quận Bình Tân và 3 ấp thuộc một xã ở huyện Hóc Môn, từ 0h ngày 20/6.