- TP.HCM kiến nghị lên Chính phủ nhiều vấn đề để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với những kiến nghị, đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp TP cùng tháo gỡ vướng mắc.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc sở GTVT TP.HCM cho biết, ngoài Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất thì cảng Cát Lái cũng là “điểm đen” ùn tắc giao thông.
Ông Cường lý giải, trong năm 2015 khối lượng hàng hóa qua cảng lên đến 49 triệu tấn/năm, trong khi quy hoạch tới năm 2020 là 36 triệu tấn. Trong thời gian tới lượng hàng hóa và xe container đổ về sẽ càng tăng lên khi cảng triển khai thông quan điện tử.
Ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất |
Cảng còn là nơi trung chuyển hàng cho các cảng Tân Cảng, Hiệp Phước, Cái Mép. Tất cả hàng hóa chuyển về cảng Cát Lái đều tập trung vào hệ thống giao thông đường bộ, dù có các đường vành đai, đường thủy nội địa, cao tốc kết nối nhưng ùn tắc giao thông không thể tránh khỏi.
Người đứng đầu ngành giao thông TP kiến nghị Bộ Giao thông tập trung xây dựng nút giao thông An Phú - kết nối đường ra vào cảng Cát Lái cũng như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo quy hoạch nút giao thông này có cả đường sắt quốc gia, đường đi Cảng hàng không Long Thành, TP đang phối hợp với Bộ để làm nhưng cần phải phân kỳ để đầu tư.
"Lấy vốn dư khi xây dựng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để đầu tư, TP sẽ lo giải phóng mặt bằng" – ông Cường nói.
Ông Cường cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên 4 dự án để tạo kết nối vùng với các tỉnh xung quanh mà trước giờ chưa được nghiên cứu.
Đó là tuyến đường vành đai số 4, kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước. Đường vành 3 kết nối Nhơn Trạch với Xa lộ Hà Nội ở nút giao Tân Vạn và triển cao tốc TP.HCM đi Chơn Thành (Bình Phước).
TP cũng đã có nghiên cứu thực tế để mở thêm tuyến QL 50 mới rộng 40 m, dài 10 km đi qua TP kết nối với Long An. Hiện 2 địa phương đã làm việc thống nhất sẽ khai thác quỹ đất 2 bên để làm...
Giám đốc sở Giao thông TP đề nghị cho bổ sung quy hoạch tuyến đường này vào hệ thống phát triển giao thông TP.
Đối với giải pháp trước mắt giải quyết ách tắc cho đường ra vào Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, ông Cường kiến nghị Chính phủ cho TP chỉ định thầu khi đầu tư 2 cầu vượt ở khu vực trục đường Trường Sơn và ngã 7 đường Phạm Văn Đồng – Hồng Hà – Trường Sơn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với các kiến nghị của TPHCM |
Ngoài ra, ông Cường kiến nghị cần khởi động dự án đường sắt nhẹ nối ga Thủ Thiêm đi tới sân bay Long Thành, bởi việc tìm kiếm nhà đầu tư, thiết kế kéo dài cả chục năm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao năng lực lãnh đạo TP, các biện pháp mà chính quyền đưa ra để giải quyết vấn đề ắc tách giao thông trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định hiện TP.HCM đối mặt với thách thức lớn, nhất là áp lực gia tăng dân số, do chuyển dịch dân cư từ các tỉnh xung quanh về TP để tìm kiếm cơ hội việc làm và các dịch vụ tốt hơn từ đó áp lực lên hạ tầng giao thông.
"Hệ thống hạ tầng giao thông công cộng phát triển chậm, phương tiện cá nhân tăng lên trong khi chưa có giao thông không gian rồi nước biển dâng cao, gây ngập úng ảnh hưởng lên cuộc sống người dân" – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đồng ý các kiến nghị mà TP đưa ra để giải quyết vấn đề giao thông và yêu cầu Bộ Giao thông phối hợp với TP giải quyết, cái nào khó sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị TP rà soát lại toàn bộ quy hoạch, xem bất cập ở đâu để sớm điều chỉnh, trong đó quan trọng nhất là về giao thông. Phải đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông: đường sắt, đường bộ, giao thông, đường thủy.
Văn Đức