TP.HCM đang làm Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh”. Phát biểu trong buổi gặp gỡ đầu năm ngành CNTT-VT TP.HCM 2017 hôm 10/3, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nêu vấn đề đặt hàng các đơn vị tham gia xây dựng đô thị thông minh và cải cách hàng chính.

Trong sự kiện do UBND TP chủ trì, do Sở TT&TT phối hợp với Hội tin học TP.HCM (HCA) và Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức, ông Lê Quốc Cường cho biết thành phố mong muốn có sự chung tay, tham gia của các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông. Chi tiết như sau:

Đặt hàng doanh nghiệp đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với xây dựng chính quyền điện tử, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của người dân. Trong dự án bên cạnh giải pháp kỹ thuật cần đề xuất các giải pháp về tài chính, trong đó chú trọng huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách của nhà nước như là hợp tác công tư PPP hoặc là các nguồn tài trợ ODA, viện trợ không hoàn lại…

Doanh nghiệp đầu tư và cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin nhằm giảm các chi phí và triển khai nhanh, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin; Tham gia tạo hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Chung tay tạo ra một cộng đồng công nghệ thông tin mạnh có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.

Trước đó, Phó giám đốc Sở TT&TT cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng đô thị thông minh là một nhiệm vụ quan trọng, là một hướng phát triển cùng với 7 Chương trình đột phá thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhằm đạt được 5 mục tiêu cơ bản như sau:

Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế thành phố theo hướng kinh tế tri thức; Nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn (môi trường, an ninh, y tế an sinh, giáo dục, văn hóa…); Quản trị đô thị tốt hơn (sử dụng hiệu quả hạ tầng, tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu... với tính dự báo cao); Người dân là trung tâm, tham gia vào quá trình quản lý, vận hành đô thị thông minh, giám sát chính quyền; Có sự tham gia của tất cả các bên liên quan hướng tới hợp tác lâu dài bền vững.

Ông Cường cho biết thành phố đã xác định một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng đô thị thông minh là cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, mà cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính. Về nội dung này, thành phố đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như sau:

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành: Thành phố đạt tỷ lệ 80% văn bản trao đổi hoàn toàn dưới giảng điện tử.

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ ISO chuyện tử và quản lý chuyên ngành: 100% quận, huyện và 80% sở ban ngành có hệ thống tác nghiệp, ứng dụng ISO điện tử.

Đối với dịch vụ công trực tuyến: 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4.

Trong đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND Thành phố - khuyến khích các doanh nghiệp Việt tham gia hiến kế, tạo sản phẩm nhằm góp phần tạo dựng thành phố thông minh, hiện đại hơn.