Sở Công Thương TP.HCM vừa có công văn gửi đến các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao nhận hàng hóa để hướng dẫn xét nghiệm định kỳ đối với lực lượng shipper công nghệ. Tại công văn mới này, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp giữ tần suất xét nghiệm cho shipper theo yêu cầu và hướng dẫn của Sở Y tế.
Ngày 2/10, Sở Công Thương TP.HCM đã ban hành Công văn 4357 hướng dẫn hoạt động giao nhận hàng hóa có sử dụng công nghệ kết nối với khách hàng. Trong đó, đối với việc xét nghiệm định kỳ, Sở đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.
TP.HCM chưa giãn tần suất xét nghiệm Covid-19 cho shipper. (Ảnh minh họa) |
Sở Công Thương cho biết, ngày 6/10, đơn vị nhận được công văn của Sở Y tế về góp ý dự thảo hướng dẫn hoạt động shipper. Theo đó, Sở Y tế đề nghị thực hiện việc xét nghiệm định kỳ cho shipper theo hướng dẫn tại Công văn số 6776 (ngày 21/9 về triển khai công tác xét nghiệm giám sát thường xuyên).
Theo hướng dẫn của công văn này, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu lực lượng shipper, giao hàng phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp nếu có thể với tần suất từ 1 - 3 ngày/lần tùy theo đặc điểm dịch tễ khu vực.
Kể từ ngày 30/9, các shipper tại TP.HCM đã tự chủ động xét nghiệm Covid-19 mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 ngày/lần. Kết quả xét nghiệm được tài xế gửi đến doanh nghiệp quản lý xác nhận thông tin và cập nhật lên Kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở TT&TT để liên thông dữ liệu với Công an Thành phố, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng nhằm phối hợp trong công tác kiểm tra.
Một số doanh nghiệp đã đề xuất cơ quan chức năng xem xét giãn tần suất xét nghiệm nhanh Covid -19 đối với các shipper. Lý do được đưa ra là tất cả tài xế được phép hoạt động hiện nay đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, một số người tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, quy định cần xét nghiệm đại trà các tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp, khi cân nhắc ưu và nhược điểm của việc cho phép shipper lưu thông trên đường.
Duy Vũ
Các ứng dụng giao hàng tổ chức tự xét nghiệm cho shipper thế nào?
Gojek tự tổ chức xét nghiệm cho shipper, còn các ứng dụng như Grab, Shopeefood, Ahamove... chọn thuê ngoài dịch vụ.