Ngày 19/7, Cục thuế TP.HCM cho biết, đang xây dựng Dự thảo quản lý thuế đối với các cá nhân kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ để trình UBND TP. Trước đó UBND TP.HCM có công văn chỉ đạo Cục thuế nghiên cứu Dự thảo này bởi hiện nay một thực trang đang diễn ra là số thu thuế của các cá nhân kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ chưa tương xứng với quy mô và mức độ hoạt động. Nhiều cá nhân là các xã viên ký kết hợp đồng với các Hợp tác xã(HTX) nhưng không uỷ quyền cho tổ chức này khai và nộp thuế thay và cũng cũng không kê khai và nộp với cơ quan thuế. Việc này đã gây thất thu cho ngân sách...
Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, số lượng xe dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải theo xe hợp đồng tăng nhanh theo các năm. Cụ thể năm 2014 số lượng xe chỉ có 177 chiếc, nhưng cuối năm 2015 số lượng xe tăng vọt lên 1.000% với 1.877 xe.
Đây chính là thời kỳ bắt đầu áp dụng thí điểm Quyết định 24 với loại hình taxi công nghệ. Bước sang năm 2016, số lượng xe tăng nhanh hơn nữa khi chạm mốc 17.360 xe. Tiếp theo năm 2017 là 34.562 xe, năm là 2018 41.651 xe. Và tính đến tháng 5/2019 là 43.269 xe. Như vậy chỉ trong vòng hơn 4 năm trở lại số lượng xe hợp đồng từ 177 chiếc lên 43.269 xe, tăng 44 lần.
Số liệu từ Sở GTVT cho thấy năm 2016 chỉ có 180 nhưng đến nay đã là 284 HTX. Top 3 có số lượng xe lớn nhất kể đến là HTX Vận tải cơ giới Q.3 với 1.174 xe, vận tải Thăng Long 5.417 xe và HTX Cơ giới Hợp Nhất 4.619 xe. Kế đến là các HTX có số lượng từ 1.000 - 3.000, Nam An, Thái Bình, Cơ Giới số 7, Nam Long và HTX Nam Sài Gòn...
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM dẫn chứng: Nghị định 86/CP các DN kinh doanh vận tải nói chung xe ô tô là tài sản thuộc DN. Nên DN phải có trách nhiệm kê khai doanh thu và xuất hoá đơn, đóng thuế. Còn đối với HTX lại quy định xe đưa vào kinh doanh vận tải là tài sản của cá nhân. Ngoài ra, quy định cũ các xã viên bắt buộc phải uỷ quyền cho HTX kê khai và đóng thuế. Nhờ đó việc thu thuế đầy đủ, minh bạch, không gặp khó khăn gì. Nhưng kể từ khi Thông tư 92/2015/BTC ra đời lại cho phép xã viên uỷ quyền hoặc không uỷ quyền cho HTX nên diễn ra tình trạng phần lớn các xã viên không kê khai, không uỷ quyền cho HTX nhưng cũng không tự kê khai, đóng thuế cho cơ quan thuế. Đó là lí do số thuế thu được chưa tương xứng với quy mô, hoạt động, dẫn đến thất thoát...
Cũng theo Cục thuế TP, hiện nay các xã viên vào HTX chỉ với 2 mục đích để được cấp phù hiệu, để chạy xe hợp đồng và đơn vị này chi lo thu phí là xong. Trong khi đó đây là loại hình kinh doanh lưu động. Giả sử xe từ các tỉnh thành như Phú Thọ, Đồng Nai, Vũng Tàu… vào TP kinh doanh làm sao để kiểm soát? Thành ra cơ quan thuế rất khó quản lý. “Đây chính là lỗ hổng gây ra nguy cơ thất thoát thuế”, đại diện Cục thuế nhấn mạnh.
Dự thảo yêu cầu HTX phải khai thuế và nộp thuế thay cho xã viên theo quý. Ngoài ra phải rà soát lại toàn bộ các xã viên không uỷ quyền cho cơ quan thuế gửi danh sách lên cho Sở GTVT để thu hồi phù hiệu. Với những xã viên đã được cấp phù hiệu nhưng hiện nay không còn liên hệ gì nữa nhưng không thực hiện thanh lý hợp đồng HTX phải thông báo cho Sở GTVT thu hồi phù hiệu.
UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở GTVT và các sở ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, tình hình chấp hành pháp luật về Thuế của các taxi công nghệ. Phải kiên quyết xử lí các hành vi vi phạm quy định pháp luật của Thuế. Với các hành vi bao che thiếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn cũng cần có chế tài nghiêm minh.
Bên cạnh đó, phải thành lập đường dây nóng, hộp thư điện tử để kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cá nhân và tổ chức. Vào ngày 20 của tháng đầu quý, Sở GTVT phải cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân và số lượng xe kinh doanh vận tải bao gồm lượng cấp lại phù hiệu, số lượng nghỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép, phù hiệu, biển hiệu… Danh sách được theo từng địa bàn quận, huyện với đầy đủ: tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, loại xe, biển số xe, trọng tải, hình thức kinh doanh vận tải, thời gian có hiệu lực phù hiệu vận tải…
Theo Báo Giao Thông
Hàn Quốc quản lý taxi công nghệ như thế nào?
Hàn Quốc có hệ thống giao thông rất hiện đại, hoạt động vận tải đa dạng nhưng việc ứng dụng gọi xe nước ngoài như Uber bị cấm hoàn toàn.