Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân về mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, thành phố ần giải quyết căn cơ bài toán tăng thu nhập
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, sau 10 năm xây dựng NTM, vốn đầu tư cho xây dựng NTM lên tới 73.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là vốn xã hội hóa với 81%, còn lại là vốn ngân sách. Người nông dân cũng có đóng góp rất lớn, nhất là hiến đất làm đường, đây là điều rất quý giá.
Hẻm được người dân ấp 3 (xã Tân Thới Thượng, Hóc Môn, TP.HCM) hiến đất mở rộng. |
Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thành ủy TP. HCM cho hay, khi bắt đầu xây dựng NTM (giai đoạn 2010 – 2020), số tiêu chí bình quân/xã của các xã trên địa bàn thành phố chỉ đạt 6/19 tiêu chí, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2008 đạt 117,5 triệu đồng/năm, năng suất lao động năm 2008 chỉ đạt 29 triệu đồng/người, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản hơn 7.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị khá lớn (năm 2008, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 15,73 triệu đồng, thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm).
Đến nay, 56 xã của TP. HCM xây dựng NTM đã hoàn thành và được phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng NTM.
Thành phố đã đầu tư 9.188 công trình phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các vùng nông thôn, duy tu, nâng cấp, làm mới 741 công trình giao thông, dài hơn 1.233 km, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.
Việc đầu tư vào giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, vốn vay… đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn như hoa lan, cây - cá kiểng, bò sữa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, những ngành nghề nông thôn truyền thống của TPHCM cũng từng bước khôi phục và phát triển, không những tiêu thụ nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.
Hồng Nhì
Ảnh: Hà Sơn