7 tháng đầu năm 2015, TPHCM xảy ra 11 vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng diện tích 4.535m2 gây thiệt hại về nhà cửa và tài sản, đe dọa đến tính mạng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân tại các khu vực sạt lở.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Dịch vụ Thủy lợi thành phố, hiện nay khu vực bờ sông Sài Gòn, đoạn đi qua địa bàn huyện Củ Chi (đặc biệt là các xã An Phú, Phú Mỹ Hưng) đã xảy ra tình trạng sạt lở đất bờ sông nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn đang được đầu tư xây dựng.

{keywords}
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông rộng khoảng 2.000 m2 ở cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) 

Tình trạng khai thác cát tràn lan trên sông Sài Gòn, đoạn thuộc địa bàn huyện Củ Chi giáp ranh với tỉnh Bình Dương đang diễn tiến khá phức tạp, số lượng ghe hút cát nhiều, số lượt bơm hút thường xuyên đã góp phần không nhỏ làm thay đổi địa hình lòng sông, chế độ dòng chảy gây sạt lở bờ sông phía huyện Củ Chi.

Tổng hợp số liệu trong 7 tháng đầu năm 2015, địa bàn TPHCM đã liên tiếp xảy ra 11 vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch tại quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện cần Giờ, huyện Củ Chi và quận 2. Tổng diện tích đất bị sạt lở khoảng 4.535m2 gây thiệt hại về nhà cửa và tài sản, đe dọa đến tính mạng người dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại các khu vực bị sạt lở.

Mới đây nhất, tối 9/7, khu đất gần 400 m2 tại ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè bị nước nhấn chìm xuống sông Mương Chuối. Toàn bộ nhà số 4/41 rộng hơn 100 m2 biến mất sau một đêm.

Một vụ sạt lở khác hôm 4/7 tại huyện này làm khoảng 1.000m2 đất ở xã Hiệp Phước biến thành sông, 11 người trong hai căn nhà liền kề may mắn thoát chết.

Trước đó 3 ngày, đoạn bờ sông rộng khoảng 2.000 m2 ở cuối đường số 7 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bị sạt lở kéo theo căn nhà kiên cố cùng đôi vợ chồng và con trai 3 tuổi xuống sông nhưng may mắn được cứu sống.

Để chủ động phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch và hạn chế thiệt hại về người và tài sản, thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát các điểm sạt lở để đánh giá nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý. Đồng thời tăng cường kiểm tra thực địa các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch để chủ động di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP cũng đề nghị Sở Tài nguyên môi trường TP phối hợp với các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên sông, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép.

Tuấn Kiệt