Theo đó, giai đoạn 2016-2020, T.P Sông Công có 90 trang trại chăn nuôi (chủ yếu là trang trại chăn nuôi gà) và 385 gia trại, trong đó trên 80% số trang trại, gia trại chăn nuôi có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt hơn 9.100 tấn (tăng 4,1% so với năm 2016).
Ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi
Thời gian tới, T.P Sông Công sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, phường và chủ cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, phấn đấu đến năm 2025, thành phố sẽ có 110 trang trại và mở rộng các trang trại có điều kiện về đất đai theo quy hoạch chung của thành phố.
Cùng với đó, thành phố cũng phấn đấu có 109 cơ sở chăn nuôi gia súc theo hướng an toàn sinh học; 1 đến 3 cơ sở giết mổ động vật tập trung và nhỏ lẻ; 4 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; 1 sản phẩm (thịt thỏ) đạt tiêu chuẩn OCOP...
Chăn nuôi hiện nay vừa là cơ hội vừa là thách thức, muốn phát triển chăn nuôi bền vững, TP Sông Công cần: Phát triển ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tập trung phát triển chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh, những sản phẩm chăn nuôi mang tính đặc sản của vùng, địa phương và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, liên kết hóa trong sản xuất tạo ra chuỗi sản phẩm hành hóa có chất lượng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tiến đến xây dựng ngành chăn nuôi sạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, ngành chăn nuôi TP Sông Công thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các tập huấn.
Tại lớp tập huấn, các học viên được giới thiệu về kỹ thuật chăn nuôi với những quy trình cụ thể như: Quy trình sử dụng thức ăn trong chăn nuôi gia súc, quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi và cách dùng vắc-xin.
Thông qua tập huấn, cung cấp kỹ thuật mới trong chăn nuôi gia súc, gia cầm cho học viên, từ đó áp dụng vào xây dựng mô hình chăn nuôi tại địa phương theo đúng quy trình để đưa ra sản phẩm hữu cơ chất lượng cao.
Ngoài ra, để kiểm soát dịch bệnh, thành phố đã hướng dẫn người chăn nuôi sát trùng bằng vôi bột xung quanh chuồng trại kết hợp phun hóa chất sát trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào đàn vật nuôi; tuyên truyền, khuyến cáo, yêu cầu người dân ký cam kết “5 không’ trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thành lập các chốt kiểm dịch, các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…
Ngành chăn nuôi thành phố thực hiện tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn bà con các kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học.
Thường xuyên cử cán bộ xuống địa phương trao đổi kinh nghiệm…
Đàn gia súc được an toàn nhờ chăn nuôi sinh học
Gia đình ông Nguyễn Văn Pha (Cải Đan – Sông Công) nuôi đàn lợn 20 con. Trước đây, ông thường thu gom nước gạo, thức ăn thừa từ các gia đình trên địa bàn về nấu cho lợn. Cách thức nuôi cũng thuần túy, không áp dụng khoa học, thậm chí không tiêm phòng vắc-xin.
Nơi nuôi nhốt được tận dụng từ gian nhà bếp cũ cuối vườn. Có năm, đàn vật nuôi mắc bệnh lở mồm long móng. Khi xuất chuồng tỷ lệ hao hụt lớn dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
Nay, nhờ giải pháp an toàn sinh học, ông thấy việc chăn nuôi dễ dàng hơn, làm chủ được tình hình, nếu chẳng may có dịch bệnh cũng kịp thời ứng phó.
Ông cho biết, chăn nuôi an toàn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh.
Quá trình nuôi, ông rút được một số lưu ý về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học như sau:
Yêu cầu về chuồng trại: Vị trí xây dựng trang trại phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km. Nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.
Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại và phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm... Phải có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi.
Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.
Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các dụng cụ khác trong chuồng phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.
Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị, ... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.
Yêu cầu về con giống: Mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.
Không sử dụng thức ăn thừa của đàn gia súc đã xuất chuồng, thức ăn của đàn gia súc đã bị dịch. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của gia súc bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.
Nước dùng cho gia súc uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thành phần vô cơ (Asen, xianua, chì và thủy ngân), vi sinh vật (vi khuẩn hiếu khí và coliform tổng số) dưới mức cho phép…
Minh Phúc