Gói tín dụng này sẽ được thành phố hỗ trợ các DN gặp khó trong các nhóm ngành dịch vụ: lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng; DN có doanh thu sụt giảm lớn. Đây là tín hiệu vui, trợ lực thiết thực cho các DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Để gói tín dụng này hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ các DN bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, thành phố sẽ tiếp tục rà soát các DN gặp khó khăn để tháo gỡ vướng mắc từ khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là DN nhỏ và vừa đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản xuất - thương mại trên địa bàn thành phố đều có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với năm 2019.

{keywords}
TP. Hồ Chí Minh: Sớm triển khai gói tín dụng 4.000 tỷ đồng nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 

Thời gian qua, sở này đã triển khai nhiều chương trình hành động hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt khó hậu Covid-19. Đặc biệt, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, tăng cường kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm... Hiệp hội DN thành phố cũng cho rằng, nếu nhìn trên chỉ số đóng góp vào ngân sách của các DN có khởi sắc, số đóng góp của DN vào ngân sách tháng 11 tăng hơn hai tháng trước, chứng tỏ sản xuất có phục hồi. Nhưng trên thực tế, nhiều DN khác lại theo chiều hướng suy kiệt và khó khăn rất lớn.

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, số DN tạm ngừng hoạt động sẽ tăng cao. Do đó, việc thành phố triển khai gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng sẽ giúp các DN tiếp cận nguồn tài chính lãi suất 0% để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Đối với lĩnh vực du lịch, việc có thêm gói tín dụng ưu đãi này không chỉ hỗ trợ DN, mà các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực du lịch, như các bảo tàng cũng sẽ được hỗ trợ trả lương cho người lao động…

Thông tin về gói hỗ trợ tín dụng 4.000 tỷ đồng, với lãi suất 0% từ Chủ tịch UBND thành phố khiến các DN rất phấn khởi và đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng là có tiếp cận được không, thủ tục, quy trình thẩm định liệu có dễ dàng để sớm giải ngân, hỗ trợ DN kịp thời trong lúc cấp bách này? Bởi thực tế, rào cản lớn nhất hiện nay trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ là phần lớn DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận các nguồn vốn vay, bao gồm cả vốn ưu đãi lãi suất do không có tài sản bảo đảm. Cụ thể, hơn 90% DN nhỏ và vừa rất hạn chế về vốn và tài sản. Các đầu mối cho vay là ngân hàng, tổ chức tín dụng đều hứa xem xét cho các DN nhỏ và vừa vay vốn nhưng thực tế ngân hàng cũng là DN nên rất cân nhắc vì ngại vướng nợ khó đòi…

Điều mà nhiều DN hiện nay mong muốn là lãnh đạo thành phố đã quan tâm hỗ trợ bằng chính sách, nhưng để chính sách đi vào thực tiễn thì phải thông qua cơ quan thực thi là ngân hàng với những giải pháp hành động thiết thực hơn.

Hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có quy định về quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa, thành phố cũng từng có quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng hai quỹ này đều "tắc" do vướng quy định về tài sản bảo đảm. Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh, các sở, ngành cần tập hợp những bất cập trình thành phố tiếp tục kiến nghị điều chỉnh để chính sách đi vào cuộc sống dễ dàng hơn; cần có cơ chế để DN được hỗ trợ từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà không cần có nguồn thế chấp, bảo lãnh.

Văn Lợi, Hồng Khanh