Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế phối hợp liên ngành triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo đó, mục đích là nâng cao trách nhiệm giải trình của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện quy trình phối hợp chuyển bệnh nhân là người bị bạo lực, xâm hại tình dục đến dịch vụ phù hợp, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.
Bên cạnh đó, huy động nguồn lực các bên nhằm phát huy tối đa hiệu quả cung cấp dịch vụ thiết yếu hỗ trợ, can thiệp đối với bệnh nhân là người bị bạo lực, xâm hại tình dục nhưng không có khả năng tự bảo vệ bản thân, giúp giải cứu họ an toàn.
Quy chế này cũng đưa đặt ra một số nguyên tắc hỗ trợ. Cụ thể như: Lấy người bị bạo lực, xâm hại tình dục làm trung tâm: Các dịch vụ hỗ trợ cần giúp tăng cường tính tự chủ của người bị bạo lực, xâm hại tình dục; theo đó họ được quyền tự ra quyết định, kể cả quyết định không tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và được hỗ trợ để ra quyết định cũng như thực hiện quyết định của mình. Dịch vụ hỗ trợ cần làm việc với mỗi người bị bạo lực, xâm hại tình dục như là một cá thể riêng biệt và duy nhất với những nhu cầu riêng của họ;
An toàn là trên hết: Sự an toàn của người bị bạo lực, xâm hại tình dục cần được đặt lên hàng đầu và là nguyên tắc số một khi cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Người quản lý người bị bạo lực, xâm hại tình dục khi thực hiện hoạt động hỗ trợ trong mọi tình huống phải đánh giá mức độ an toàn của họ để đưa ra các bước xử lý tiếp theo;
Tiếp cận dựa trên quyền: Dịch vụ hỗ trợ phải đảm bảo trợ giúp người bị bạo lực, xâm hại tình dục thực hiện các quyền của mình như quyền được an toàn, quyền không bị phân biệt đổi xử, quyền được chăm sóc y tế, quyền được biểu đạt, quyền tự quyết, quyền được cung cấp thông tin;
Thúc đẩy bình đẳng giới: Dịch vụ cung cấp mang tính nhạy cảm giới, phá bỏ các định kiến giới và các phân biệt đối xử trên cơ sở giới, giúp người bị bạo lực, xâm hại tình dục ra quyết định và hỗ trợ nguồn lực để họ thực hiện được các quyết định của mình;
Thực thi công lý: Người bị bạo lực, xâm hại tình dục cần được hỗ trợ tư pháp để đảm bảo rằng người gây ra bạo lực, xâm hại tình dục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;
Phối hợp liên ngành, liên tổ chức: Người bị bạo lực, xâm hại tình dục thường có các nhu cầu đa dạng khác nhau, do vậy cần sự phối hợp liên ngành và liên tổ chức để đảm bảo hỗ trợ toàn diện và liên tục cho họ; tùy từng trường hợp, có thể cần phải phối hợp với các tổ chức và cá nhân (các cơ quan đại diện nước ngoài) trong quá trình hỗ trợ.
Đến mô hình “một cửa” thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ
Có thể nói đây là bước đi tiếp theo của TP Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Trước đó, ngày 24/3, mô hình một cửa đầu tiên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực thí điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ra mắt tại Bệnh viện Hùng Vương, địa chỉ số 128 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5.
Mô hình một cửa này thực hiện chức năng tiếp nhận, khám sàng lọc, điều trị, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại chỗ cho bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến Mô hình “một cửa” để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý.
Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển gửi nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, địa chỉ tại số 14 Nguyễn Văn Bảo, Phường 4, Quận Gò Vấp để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nhu cầu.
Được biết, việc triển khai thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đặt tại cơ sở y tế là một giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Kinh nghiệm ứng phó với bạo lực giới cho thấy cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên bệnh nhân ở các nhóm độ tuổi, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau tìm đến.
Mô hình khi vận hành sẽ tiến hành rà soát khoảng trống về chính sách, quy định riêng của các ngành tiến tới thống nhất về nguyên tắc, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ một đầu mối cho nạn nhân. Mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho từng nạn nhân trên địa bàn thành phố.
Mô hình một cửa ra đời sau hơn hai năm nghiên cứu với sự chủ trì, điều phối chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế cùng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và sự vào cuộc trực tiếp của Bệnh viện Hùng Vương TP Hồ Chí Minh.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em do UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và sự đồng hành của Tổ chức PE&D tại Việt Nam. Thời gian thực hiện thí điểm Mô hình một cửa trong giai đoạn 2022 - 2026.