Ngày 6/12, tại Tọa đàm “Phát triển nền tảng triệu view của cơ quan truyền thông”, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, Sở đang xây dựng quy chế xử lý nhanh thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống giám sát 

Hai trong 6 nhóm nhiệm vụ về truyền thông chính sách được các địa phương tập trung đẩy mạnh chính là: Tuyên truyền việc chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội. Và tuyên truyền công tác quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí phải là dòng chảy chính.

Là một trong những đầu tầu kinh tế của cả nước, đồng thời là nơi đứng chân của nhiều cơ quan báo chí truyền thông, nơi có hoạt động kinh tế xã hội diễn ra sôi nổi, nơi người dân sớm tiếp cận với mạng xã hội và có lượng người sử dụng nhiều nhất cả nước. Chính vì vậy, tại TP.HCM tình trạng tin giả, tin xấu độc cũng được phát tán với số lượng và tần suất rất lớn. Cụ thể, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Sở TT&TT TP.HCM đã phải chuyển danh sách 108 tài khoản mạng xã hội nước ngoài thường xuyên đăng tải các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch để Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xem xét xử lý theo quy định.

Cũng trong thời gian này, chỉ riêng tại TP.HCM, các cơ quan chức năng đã phải ngăn chặn, gỡ bỏ: 330 bài viết trên các tài khoản mạng xã hội Facebook, 439 video trên nền tảng ứng dụng YouTube, 573 video trên nền tảng ứng dụng TikTok. Hàng trăm trang tin thông tin điện tử có tên miền quốc tế bị xử phạt vi phạm hành chính; Hơn 30 sàn Forex tổ chức trái phép các sự kiện, hội thảo kêu gọi đầu tư vào các giao dịch tiền số bất hợp pháp đã bị ngăn chặn. Hàng trăm cá nhân và tổ chức có liên quan đến vấn nạn phát tán thông tin xuyên tạc, sai sự thật, thông tin xấu độc lên làm việc.

Có thể thấy rõ, trước tình hình hoạt động vi phạm Luật An ninh mạng có xu hướng tăng về số lượng, phức tạp về tính chất tại TP.HCM hiện nay, đại diện Sở TT&TT cho biết, Sở đang được thành phố giao chủ trì xây dựng, vận hành, khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để tổng hợp thông tin dư luận xã hội quan tâm, đồng thời giám sát thông tin xấu độc, từ đó, đề xuất phương án quản lý, khuyến khích và xử lý kịp thời. Được biết, hệ thống này có khả năng nắm bắt thông tin của hơn 70 triệu tài khoản (Facebook, YouTube) và hơn 100 nghìn trang tin khác.

so sai gin.jpg
Thông tin xử phạt các tập thể và cá nhân vi phạm đều được Sở TT&TT TP.HCM cập nhật lên website của Sở này. 

Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ quản lý thông tin khoảng 150 trang báo điện tử và hơn 1.500 trang tin điện tử tổng hợp, 350 trang mạng xã hội do Bộ TT&TT cấp phép.

Truyền thông chính sách thất bại nếu không xử lý được tin giả

Theo đại diện Sở TT&TT TP.HCM, song song với việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, để xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng; Sở đang có kiến nghị Bộ TT&TT sớm tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và 27/2018/NĐ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Kiến nghị Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì phối hợp triển khai Luật Quảng cáo sửa đổi để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 70/2021/NĐ-CP đối với quảng cáo trên Internet, nhất là trên các mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok…

Đặc biệt theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, Sở TT&TT TP.HCM đang tham mưu với Bộ TT&TT sớm ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động cung cấp thông tin và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có liên quan đến TP.HCM. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thông tin điện tử. Bởi theo ông Hồi, khi chính sách được ban hành cuộc sống chưa kịp tuyên truyền đến người dân mà đã bị các thông tin sai sự thật, tin giả bóp méo, bôi nhọ thì công tác truyền thông chính sách sẽ thất bại.

Do đó, Sở TT&TT TP.HCM đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng bộ tiêu chí nhận diện và quy trình đánh giá nội dung, tài khoản và kênh vi phạm để đề xuất đưa vào danh sách đen (Blacklist) trình UBND TP.HCM xem xét; Phối hợp các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là giới trẻ, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” thông qua các cuộc thi với đa dạng chủ đề trên không gian mạng; Nghiên cứu sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn lực các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mạng đa kênh (MCN) của các nền tảng xuyên biên giới như Facebooker, YouTuber, TikToker… và các KOLs (người nổi tiếng) trên địa bàn TP.HCM để thực hiện các chiến dịch truyền thông chính sách chủ động và nhận diện diện các phương thức lừa đảo trên mạng.

Được biết, hiện TP.HCM có khoảng hơn 22 triệu tài khoản mạng xã hội (của 4 nền tảng lớn: Facebook, YouTube, TikTok, Zalo) hoạt động thường xuyên trên địa bàn.

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV