Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn đầu tư và phát triển TP.HCM theo hướng xanh, bền vững.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng TP.HCM cần đề xuất với bộ, ngành trung ương xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào là “xanh” một cách cụ thể cho các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là sớm ban hành khung chiến lược về phát triển xanh.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới từng trải qua thời kỳ đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và vấn đề môi trường, không gian sống. Bài học cho thấy phát triển bền vững, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nhận định TP.HCM cùng nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập cần phải giải quyết, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
“Thành phố ý thức rõ mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, Thành phố đã chuyển hưởng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững”, ông Nên nhấn mạnh.
Còn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, khung chiến lược phát triển xanh TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 xác định lấy người dân và doanh nghiệp Thành phố làm trung tâm của chuyển đổi, đồng thời xác định tập trung vào 4 nội dung, gồm: nguồn lực xanh với nguồn nhân lực trình độ cao; tài chính xanh và hợp tác quốc tế; hạ tầng xanh với chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch; hành vi tiêu dùng xanh.
Đối với chuyển đổi năng lượng xanh, ông Mãi thông tin, hiện tại, số điện năng tiêu thụ của TP.HCM khoảng 90 triệu Kw mỗi ngày, nguồn cung chủ yếu từ bên ngoài Thành phố và chủ yếu từ nhiệt điệt. Điện sạch chỉ chiếm 7,6%. Mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2025 đạt 25% đến năm 2030 phấn đấu đạt 35-40% điện sạch.
Liên quan đến nội dung khởi nghiệp xanh, đầu tư xanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP.HCM là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các nước, hướng tới xây dựng TPHCM trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực.
TP.HCM đang hướng hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phục vụ kinh tế xanh, phát triển xanh. Vấn đề đặt ra là khung thể chế, chính sách, mô hình, cách làm để sớm biến TP.HCM thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phục vụ kinh tế xanh.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động, TP.HCM là nơi thử nghiệm tốt nhất các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn. TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất, đóng góp một phần năm GDP quốc gia, hơn một phần tư thu ngân sách, dẫn đầu về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, chiếm gần 30% số doanh nghiệp cả nước. Đặc biệt, TP.HCM đã được Quốc hội thông qua nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế đặc thù.
"Có thể nói, TP.HCM là nơi tốt nhất để thử nghiệm các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn nhờ đặc thù về đô thị, quy mô dân số và tính năng động của nền kinh tế. Bởi dù có mức phát triển nhanh nhưng TP.HCM đang đối mặt với các vấn đề phát thải khí nhà kính lớn nhất, khoảng 57,6 triệu tấn - chiếm 23,3% cả nước", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận.