TP HCM đi đầu về Chính phủ điện tử
Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM khẳng định TP đi đầu cả nước về xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai ứng dụng CNTT ở cấp quận, huyện.
Ngày 17/42007, Sở BCVT TP.HCM đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA). Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BCVT TP.HCM cho biết: TP.HCM đã đi đầu trong cả nước về xây dựng Chính phủ điện tử, là địa phương đầu tiên triển khai ứng dụng CNTT ở cấp quận, huyện.
Mô hình ứng dụng CNTT cấp quận, huyện đã được hoàn thiện, triển khai nhân rộng mô hình giao tiếp với người dân tại các quận, huyện thông qua các kiốt tra cứu thông tin, hệ thống mã vạch, hệ thống “một cửa điện tử” cung cấp thông tin hướng dẫn quy trình và tình trạng xử lý hồ sơ hành chính của người dân, thông tin quy hoạch.
Đến cuối năm 2006, tại TP.HCM đã có 22/24 quận, huyện đầu tư ứng dụng CNTT đồng bộ gồm cả phần cứng, phần mềm, CSDL và đào tạo; 15 đơn vị tham gia cung cấp tình trạng hồ sơ hành chính cho người dân qua hệ thống “một cửa điện tử” đầu tiên trên cả nước.
TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên triển khai nhiều phần mềm trên diện rộng, trong đó có các phần mềm triển khai đến tận phường, xã. Đến nay, đã triển khai đại trà 17 phần mềm, gồm: 4 phần mềm xây dựng môi trường làm việc điện tử (G2E), 5 phần mềm dịch vụ công (G2C và G2B), 4 phần mềm về quản lý xây dựng, 4 phần mềm quản lý đất đai (ứng dụng GIS).
Hiện có 19/24 quận, huyện vận hành chính thức 9 phần mềm quản lý hành chính; 12/24 quận, huyện đã triển khai 4 phần mềm về quản lý xây dựng. Hiện nay, TP.HCM đang triển khai thí điểm tiếp 3 phần mềm mới về quản lý dự án đầu tư trong xây dựng cơ bản, quản lý đơn thư hành chính và quản lý khiếu nại tố cáo. Ở cấp phường, đang triển khai trên diện rộng 2 phần mềm (phần mềm quản lý hộ tịch tại 24 quận, huyện và 321 phường, xã trên toàn thành phố; phần mềm kế toán xã tại 317 phường, xã). Đồng thời, đang triển khai thí điểm 6 phần mềm quản lý hành chính tại các phường của 4 quận của thành phố.
TP.HCM còn triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ xây dựng doanh nghiệp điện tử. Xây dựng Cổng giao dịch doanh nghiệp với các nội dung chính: giao dịch trực tuyến, đào tạo trực tuyến, tư vấn, liên kết các website trong nước và quốc tế, cập nhật, cung cấp thông tin và dịch vụ về thị trường, thương mại điện tử. Đến nay đã có 1.900 doanh nghiệp với hơn 3.300 sản phẩm tham gia cung cấp thông tin trên cổng giao dịch doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 3/2007, trên địa bàn thành phố có 5.839 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động trong lĩnh vực CNTT với tổng vốn đăng ký 15.359 tỷ đồng, trong đó có 472 doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành về CNTT (có trên 50% ngành nghề của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT) với tổng vốn đăng ký 317 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT, hiện có 106 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 1.082 triệu USD. Về các doanh nghiệp điện tử, hiện có 17.111 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn là 44.723 tỷ đồng và 125 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD.
Ông Lê Mạnh Hà cũng cho biết, TP.HCM đang nghiên cứu, chuẩn bị lập Quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực CNTT với kinh phí ban đầu là 20 tỷ đồng.
Nguyễn Văn Khôi