Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc “xin ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt Nghị quyết 54 mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội).
Cụ thể, theo ông Phan Văn Mãi, điều khoản thi hành dự thảo hiện đang quy định Nghị quyết 54 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023 và được thực hiện trong 5 năm.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở hội trường và các tổ ĐBQH, nhiều đại biểu cho rằng, TP.HCM với quy mô và các dự án thuộc dạng chiến lược, trọng điểm không chỉ của thành phố mà của cả nước, thì thời gian 5 năm là quá ngắn. Do vậy, để đảm bảo đồng bộ với thời kỳ quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Quốc hội xem xét quy định thời hạn hiệu lực nghị quyết này đến cuối kỳ quy hoạch để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những chính sách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, TP.HCM nhận thấy để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, thời gian thực hiện của Nghị quyết 54 mới chỉ 5 năm là tương đối ngắn, trong khi số lượng công việc để triển khai nghị quyết là rất lớn. Nhiều cơ chế chính sách cần có thời gian để triển khai, từ đó, mới đánh giá được đầy đủ tính hiệu quả của chính sách (như các cơ chế về TOD, PPP, phát hành trái phiếu với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp...).
Một số chính sách cần có sự ổn định lâu dài để có thể thu hút được các nhà đầu tư tham gia (ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; chính sách hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố).
“Vì vậy, trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBND TP.HCM kính đề xuất Chủ tịch Quốc hội ủng hộ sửa đổi thời gian thực hiện của Nghị quyết đến năm 2030 hoặc theo hướng không quy định “cứng” thời hạn có hiệu lực của nghị quyết là 5 năm. Thay vào đó, sẽ quy định việc định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Quốc hội có ý kiến chỉ đạo và điều chỉnh, cập nhật bổ sung”, nội dung đề xuất nêu.
Cũng theo UBND TP.HCM, có thể xem Nghị quyết 54 mới là bộ khung xuyên suốt để sàng lọc, thay thế các cơ chế thí điểm mới mà không gói gọn trong 1 thời gian nhất định, một nhóm cơ chế cố định. Đây cũng là cách tiếp cận mới trong tư duy thí điểm chính sách.
Ngoài ra, UBND TP,HCM cho biết, dự thảo nghị quyết hiện nay đã quy định một số cơ chế cho phép thành phố được linh hoạt trong huy động nguồn vốn từ trái phiếu. Tổng mức dư nợ như đề xuất tại dự thảo nghị quyết có tăng so với mức trần 90% theo Nghị quyết số 54 cũ, tuy nhiên, thành phố nhận thấy cơ chế trên chưa phát huy hết hiệu quả của việc phát hành trái phiếu.
Do đó, thành phố đề xuất Chủ tịch Quốc hội xem xét, ủng hộ bổ sung cơ chế cho phép được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị. Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM là tổ chức phát hành theo ủy quyền của UBND TP.HCM.
Cũng theo UBND TP.HCM, thời gian qua, thành phố đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, quy mô lớn do không có cơ sở, thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các tập đoàn lớn khó tham gia. Do đó, UBND TP.HCM mong muốn có cơ chế đặc biệt, linh hoạt để thể hiện rõ thông điệp mời gọi nhà đầu tư.
Hiện tại, UBND TP.HCM đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu theo hướng giới hạn mức hỗ trợ từ ngân sách thành phố, không để vượt quá 10% tổng vốn đầu tư của dự án nhằm tạo ngưỡng cụ thể, tránh bất cập trong quá trình triển khai sau này.