Ngày 1/12, Sở GTVT TP.HCM có tờ trình gửi Hội đồng Thẩm định TP.HCM (do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực) về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP).

z4934275650216-a010b278b640fa7f7297e08c4feff521-1.jpg
Cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm 2028. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.

Theo tờ trình, cầu Cần Giờ kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ có chiều dài khoảng 7,3km. Trong đó, phần cầu vượt sông Soài Rạp có chiều dài gần 3km, hai phần đường dẫn hai đầu cầu dài 4,3km.

Điểm đầu dự án tại vị trí nằm trên Đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc.

Điểm cuối dự án sẽ kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam).

Quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60km/h.

Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng hệ thống thoát nước, công trình phụ trợ gồm hệ thống an toàn giao thông; đèn chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật; xây dựng hệ thống trạm thu phí, camera quan sát, dự kiến bố trí 1 trạm thu phí tại Km4+400 trên địa bàn huyện Cần Giờ (áp dụng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, tổ chức vận hành khai thác thống nhất, đồng bộ tiết kiệm chi phí đầu tư); lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng 11.087 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố (khoảng 5.246 tỷ đồng) và vốn BOT của nhà đầu tư (khoảng 5.323 tỷ đồng).

z4934275679527 f27ef872043df9a73dd30f2b7059b21b.jpg
Sơ đồ vị trí xây dựng cầu Cần Giờ. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.

Dự án sẽ được phân chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, 2 dự án thành phần 1 và 2 là phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phía Nhà Bè và phía Cần Giờ sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước. Dự án thành phần 3: Xây dựng cầu Cần Giờ đầu tư theo hình thức PPP - hợp đồng Kinh doanh - khai thác - chuyển giao (BOT) với khoảng 8.341 tỷ đồng. 

Nếu được thông qua, Sở GTVT dự kiến từ đây đến 2024 là thời gian chuẩn bị dự án; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ triển khai thực hiện từ năm 2024 - 2025. Sau đó, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án vào 2025, hoàn thành vào 2028. Thời gian thu phí bắt đầu từ 2028 - 2051.

Để sớm triển khai thực hiện, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét, trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ. Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung của thành phố và các đồ án quy hoạch liên quan tới dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ làm cơ sở để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Huyện Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam TP.HCM. Hiện nay, địa phương này chưa có đường bộ kết nối trực tiếp với khu vực trung tâm thành phố. Phương tiện giao thông từ huyện Cần Giờ di chuyển sang huyện Nhà Bè để đi các khu vực khác chủ yếu thông qua bến phà Bình Khánh ở phía Bắc và bến phà An Thới Đông ở phía Tây. Nhu cầu giao thông qua phà Bình Khánh ngày càng tăng cao, đặc biệt là các ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, Tết đã gây nên tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động du lịch và hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Cần Giờ.

Sở GTVT nhận định việc xây dựng cầu Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố cũng như các khu vực lân cận là rất cần thiết. Sau khi xây dựng cầu sẽ hình thành nên tuyến giao thông mới kết nối trực tiếp với khu vực phía Nam thành phố, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ còn có Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha đã được Thủ tướng phê duyệt và trong tương lai đang nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với quy mô hơn 5 tỷ USD nên dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện rất lớn.