Cao su chết hàng loạt không rõ nguyên nhân
Thanh tra TP.HCM vừa thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc góp vốn vào Công ty Cổ phần Cao su TP.HCM (Công ty Cao su TP.HCM), thực hiện dự án trồng cao su tại Lào của các cổ đông trực thuộc UBND thành phố.
Công ty Cao su TP.HCM được thành lập từ chủ trương thực hiện dự án đầu tư trồng 10.000ha cao su tại Lào. Mục tiêu của dự án là đầu tư, trồng và chế biến mủ cao su nhằm giúp Lào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tình hữu nghị Việt - Lào, giải quyết việc làm cho lao động hai nước.
Tính đến thời điểm thanh tra, dự án còn gần 1.036ha diện tích cao su đang được chăm sóc, khai thác. Trong 2.838ha cao su đã trồng, diện tích cao su sinh trưởng kém, ngưng chăm sóc, được thanh lý là 1.803ha. Tổng vốn đầu tư cho phần diện tích cao su này là gần 137 tỷ đồng.
Trong 137 tỷ đồng đã đầu tư, 5 cổ đông Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM chiếm 72,13% và có khả năng mất vốn. 5 cổ đông này gồm: Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố; Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước; Công ty TNHH MTV Bò sữa thành phố; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV.
Thanh tra TP.HCM xác định, Công ty Cao su TP.HCM đã có nhiều thiếu sót như: Chưa thay đổi vốn điều lệ theo thực tế góp vốn của các cổ đông; không thực hiện đúng quy định đấu thầu với các gói thầu mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chăm sóc không tốt dẫn đến 704.420 cây giống bị chết.
Ngay sau khi trồng, cây sinh trưởng kém, chết nhiều, phải trồng dặm với tỷ lệ lên đến 70%. Tuy nhiên, Công ty Cao su TP.HCM vẫn tiếp tục trồng ồ ạt mà không kiểm tra, nghiên cứu, xác định nguyên nhân để điều chỉnh.
Từ đó, Công ty Cao su TP.HCM đã thanh lý cây cao su 4 đợt vào các năm 2012, 2013, 2016 và 2017, gây thiệt hại trên số vốn đầu tư 137 tỷ đồng. Đến nay, công ty vẫn không làm việc với đơn vị liên quan để xác định nguyên nhân cây chết hàng loạt.
Về việc quản lý trồng và chăm sóc cao su, chăm sóc vườn ươm, Công ty Cao su TP.HCM giao khoán cho các đội trưởng, đội phó tự thuê công nhân thực hiện. Nhưng công ty không cung cấp được hồ sơ chứng minh cho việc có trồng, chăm sóc. Một số chứng từ thanh toán không hợp lệ.
Theo Thanh tra TP.HCM, kiểm tra hiện trạng dự án cho thấy, trên 111ha thuộc dự án không có cao su mà chỉ có cây rừng như gỗ giáng hương, gõ đỏ, móng bò,... Một số khu vực đã thanh lý không có gốc cây cao su nên không có cơ sở xác định có trồng cao su hay không.
Chuyển vốn cho công ty con tại Lào
Tại dự án trồng 10.000ha cao su tại Lào như nói trên, Thanh tra TP.HCM xác định Công ty Cao su TP.HCM có những sai phạm về thủ tục và tài chính.
Về thủ tục, Công ty Cao su TP.HCM đã đầu tư 61 tỷ đồng trồng cao su trên diện tích đất 785ha khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Lào giao đất, ký hợp đồng thuê đất.
Công ty đã bỏ chi phí 1,5 tỷ đồng để khảo sát 2.100ha đất tại tỉnh Attapeu nhưng nhiều năm vẫn chưa xúc tiến được các bước thủ tục tiếp theo. Hiện chính quyền tỉnh Attapeu đã giao diện tích đất công ty đã khảo sát cho đơn vị khác sử dụng.
Đối với tài chính, Công ty Cao su TP.HCM hạch toán tiền gửi vào tài khoản doanh thu hoạt động tài chính và chi phí trả trước dài hạn chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, công ty còn chuyển vốn cho công ty con tại Lào bằng hình thức tiền mặt, với số lượng tiền mặt các lần mang qua cửa khẩu nhiều hơn quy định. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài này là trái quy định.
Khi khai hoang 3.045ha tại tỉnh Champasak, công ty không ghi nhận rõ khối lượng gỗ và số tiền thu được từ số gỗ đã khai thác.
Theo Thanh tra TP.HCM, 5 cổ đông thuộc UBND TP.HCM không đảm bảo tiến độ góp vốn, thiếu giám sát hoạt động của Công ty Cao su TP.HCM, không kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất, chỉ đạo Giám đốc Công ty Cao su TP.HCM khắc phục các sai sót. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
Về việc Công ty Cao su TP.HCM chuyển vốn cho công ty con tại Lào và xác định khối lượng gỗ công ty thu được trong quá trình khai hoang rừng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM được giao phối hợp cùng các cơ quan thẩm quyền rà soát.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho các cổ đông Nhà nước thì báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý.