Ngay sau khi phát hiện thêm nhiều điểm bất thường trong khâu kiểm nghiệm an toàn và chất lượng xe, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản yêu cầu Daihatsu không chỉ buộc dừng giao toàn bộ xe mới mà còn tạm dừng cả việc sản xuất và chưa rõ khi nào sẽ tiếp tục hoạt động trở lại bình thường.

Với tư cách là công ty mẹ của Daihatsu, Toyota cho biết họ chưa thể xác định được những tác động ảnh hưởng đến tài chính của công ty liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, đóng cửa phiên ngày 21/12, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản đã giảm 4%, thấp hơn mức trung bình chuẩn của Nikkei - giảm 1,6%.

toyota.jpg
Danh tiếng của Toyota đã bị ảnh hưởng không nhỏ sau vụ bê bối liên quan đến Daihatsu. (Ảnh: Aly Song)

Các nhà phân tích cho biết sự cố gian lận thử nghiệm an toàn và chất lượng của Daihatsu sẽ tác động không nhỏ đến lợi nhuận của Toyota. Cụ thể, nhà phân tích ô tô Masataka Kunugimoto của Nomura cho biết việc đình chỉ sản xuất trong một tháng sẽ tương đương với sản lượng 120.000 xe, điều này khiến doanh thu của Toyota sẽ giảm 240 tỷ yên (1,68 tỷ USD).

Trong khi đó, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch cho hay cuộc thanh tra ở quy mô đặc biệt lớn dự kiến sẽ tốn một khoảng thời gian dài. Điều này khiến Daihatsu không thể xác định được khi nào mới có thể bắt đầu trở lại sản xuất và bán hàng.

Nhà phân tích Seiji Sugiura của viện nghiên cứu Tokai Tokyo nhận xét: "Việc sản xuất và bán hàng sẽ bị đình chỉ trong thời gian Bộ thanh tra rất có thể sẽ làm sụt giảm danh tiếng và doanh số bán hàng của cả Toyota lẫn Daihatsu."

tru so cua daihatsu.jpg
Trụ sở của Daihatsu, công ty con của Toyota ở Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)

Hiện tại, Daihatsu cũng phải hứng chịu những chỉ trích từ Chính phủ Nhật Bản. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch của nước này cho biết sẽ xem xét các hình phạt hành chính bao gồm thu hồi chứng nhận sản xuất của Daihatsu tùy thuộc vào kết quả điều tra.

Trong buổi chia sẻ với Reuters, ông Yoshimasa Hayashi, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nói: "Đây là vụ việc cực kỳ đáng tiếc, làm xói mòn lòng tin của người sử dụng ô tô và là hành vi sai trái ảnh hưởng đến nền tảng của hệ thống chứng nhận ô tô."

Ngoài ra, tác động lớn hơn có thể xảy ra với các nhà cung cấp và các đại lý bán hàng của Daihatsu. Báo cáo của Teikoku Databank chỉ ra chuỗi cung ứng của công ty tại Nhật Bản có số lượng lên tới 8.316 nhà cung cấp, đạt doanh thu hàng năm 2,21 nghìn tỷ yên (15,5 tỷ USD) từ Daihatsu. Trong đó, cổ phiếu của nhà sản xuất phụ tùng Metalart, công ty có mối quan hệ chặt chẽ với Daihatsu, đã giảm 10% trong phiên đóng cửa ngày 21/12.

Theo Nikkie, tổng số công ty cung cấp phụ tùng trực tiếp cho Daihatsu là 423. Trong số đó, 47 nhà cung cấp lớn chiếm tỷ trọng 10% hoạt động kinh doanh của Daihatsu, 34 trong số đó là các công ty vừa và nhỏ.

Chủ tịch của một nhà cung cấp có trụ sở tại khu vực Kanto, trong đó có Tokyo, nơi có doanh thu hàng năm là 2,5 tỷ yên (18 triệu USD) cho biết: "Sự việc này sẽ ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Hiện, doanh thu hàng tháng của công ty trong hoạt động cung cấp phụ tùng, linh kiện cho Daihatsu là khoảng 100 triệu yên (700.000 USD). Khi phải tạm dừng cung ứng hàng, doanh thu này coi như bị mất trắng".

Giám đốc điều hành của một nhà cung cấp khác sản xuất linh kiện chính cho Daihatsu cho hay, họ có thể chuyển sang cung cấp linh kiện ô tô cho các hãng xe khác thay thế khách hàng lớn Daihatsu. Tuy nhiên, ít nhất trong một hoặc hai tháng, công ty sẽ phải chuyển đổi dây chuyền sản xuất để phù hợp với các nhà sản xuất ô tô này.

Vụ bê bối của Daihatsu còn liên quan đến 58 nhà phân phối trực thuộc với 778 cửa hàng bán hàng tại Nhật Bản, nếu cộng cả các đại lý nhỏ phân phối xe của Daihatsu thì nhà sản xuất này có khoảng 30.000 cửa hàng bán xe tại Nhật Bản bị ảnh hưởng. 

Một người quản lý tại đại lý Daihatsu ở khu vực Kansai, bao gồm Osaka và Kyoto, cho biết mức độ ảnh hưởng là rất lớn khi doanh số bán hàng của họ chủ yếu đều liên quan đến xe mới. Đặc biệt, thời gian này là kỷ nghỉ lễ cuối năm và đón năm mới, thường là thời điểm tốt nhất để kinh doanh”

Cũng theo Nikkei đưa tin, số lượng xe Daihatsu đã nhận đặt hàng nhưng chưa giao cho khách hàng khoảng 60.000 chiếc. Trong số đó, 12.000 chiếc thậm chí còn chưa được chuyển đến các đại lý - Daihatsu không giao xe trừ khi khách hàng yêu cầu. Trong tình huống này, khách hàng có thể hủy đơn hàng để chuyển sang mua xe của thương hiệu khác, ví dụ như đối thủ Suzuki Motor tại Nhật  Bản. 

Trước tình hình trên, Daihatsu đang phải đàm phán với 423 nhà cung cấp trực tiếp của mình để bồi thường tài chính cho các khoản thiệt hại về doanh thu do bị tạm ngừng sản xuất.

Theo kế hoạch, tất cả các nhà máy của Daihatsu ở Nhật Bản sẽ ngừng sản xuất trước ngày 26/12 nhưng họ vẫn chưa quyết định khi nào sẽ ngừng sản xuất tại các nhà máy ở nước ngoài.

Tại Nhật Bản, trong số các loại xe mini hạng nhẹ phổ biến, hay còn gọi là xe Kei, Daihatsu đứng đầu với thị phần 33%, tiếp theo là Suzuki với 31% và Honda Motor với 18%. Toyota cho biết, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm 2023, gần 40% trong số đó đến từ các nhà máy ở nước ngoài. Hãng cũng đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong cùng kỳ và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.

Theo Nikkei, Reuters

Bạn có bình luận thế nào về góc nhìn trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!