Xuất phát từ thuật ngữ để gọi tên lối sống tiết kiệm tại Nhật Bản khiến cả thế giới ngưỡng mộ, Mottainai giờ đây lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam bằng những hoạt động tích cực của doanh nghiệp Nhật Bản làm việc tại đây.
Mottainai - Trân trọng tài vật là yêu quý cuộc sống của chính mình
Ở Nhật Bản người ta có thể gọi tên lối sống tiết kiệm bằng hẳn thuật ngữ Mottainai để nâng cao ý thức sống có trách nhiệm với chính bản thân và đất nước mình.Mottainai là một thán từ trong ngôn ngữ của người Nhật có nghĩa là "Lãng phí quá". Câu cảm thán này được dùng khi thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực... bị bỏ đi một cách đáng tiếc trong khi giá trị sử dụng vẫn còn.
Mottainai là nét văn hóa thể hiện rõ ràng nhất quan niệm và cách sống trân trọng tài nguyên thiên nhiên của người Nhật. Cảm giác trân quý những tạo vật phục vụ cho cuộc sống và thái độ tiết kiệm này còn được người Nhật áp dụng trong cả vấn đề tài chính, khi họ luôn giữ một thái độ kiểm soát và đúng mực với các chi tiêu của mình.
Tại Việt Nam, Mottainai đã được đông đảo cộng đồng quan tâm, chú trọng hơn thông qua hoạt động thiện nguyện và nâng cao ý thức về môi trường.
Doanh nghiệp Nhật lan tỏa tinh thần Mottainai
Những năm gần đây, ý nghĩa của Mottainai về sự cảm thông và lòng tốt, biết trân trọng con người và đồ vật đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam không chỉ bằng các chương trình của Đại sứ quán Nhật Bản mà còn bằng hoạt động của những doanh nghiệp Nhật Bản. Trong đó, phải kể đến Toyota Việt Nam - doanh nghiệp Nhật Bản đã hoạt động tại Việt Nam trong 23 năm qua.
Với triết lý kinh doanh ưu tiên các hoạt động đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, Toyota đã thực hiện những chương trình lớn và có ảnh hưởng sâu sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như giảm thiểu tối đa tác hại đến môi trường.
Năm 2018, Toyota Việt Nam là một trong những đơn vị đồng hành cùng Chương trình Mottainai “Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” lần thứ 6. Theo Toyota Việt Nam, tinh thần Mottainai cũng thể hiện rõ nét ở những kaizen (cải tiến) từ khối văn phòng đến khối sản xuất. Kaizen là triết lý cải tiến mà Toyota luôn theo đuổi có nghĩa thay đổi để tốt hơn. Toyota Việt Nam cho hay, một ý tưởng kaizen tại Toyota được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau: Giảm chi phí, giảm lãng phí nhân công, tiết kiệm thời gian, đạt hiệu quả về chất lượng, an toàn và môi trường. Bên cạnh đó, những tiêu chí như tính sáng tạo, sự nỗ lực và phạm vi áp dụng cũng được ghi nhận và đánh giá.
Ở bộ phận văn phòng, Toyota luôn khuyến khích nhân viên trình bày trên máy tính, tiết kiệm giấy in hay tái sử dụng giấy một mặt. Ở bộ phận sản xuất, 314.000 ý tưởng kaizen đã được toàn bộ nhân viên và lãnh đạo Toyota kiến tạo từ năm 2002 đến tháng 4/2018.
Với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp “xanh”. Gần đây, Toyota phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình “Toyota chung tay xanh hóa học đường” nhằm chung tay cải thiện vấn đề môi trường tại Việt Nam.
Song song với việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh, Toyota luôn nỗ lực triển khai và thực hiện rất nhiều hoạt động, chương trình lớn có ý nghĩa xã hội sâu sắc trong nhiều lĩnh vực như: An toàn giao thông, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và văn hóa - xã hội.
Đại diện Toyota nhấn mạnh: “Trên tất cả, những triết lý này được chúng tôi xây dựng bằng niềm tin và trách nhiệm đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nói riêng, của Việt Nam nói chung và sự trân trọng với môi trường, xã hội và con người Việt Nam”.
Thùy Linh