Con chị Nguyễn Trà My (quận Hà Đông, Hà Nội) đang học lớp 12. Tới đây, nam sinh này sẽ có hai lựa chọn là tiếp tục học đại học hoặc học nghề.
Chị My cho hay: “Là phụ huynh, ai cũng muốn con vào đại học để tương lai tốt hơn. Thực tế, con trai tôi có lực học trung bình khá, hơn nữa gia đình kinh tế không khá giả. Vì thế, vợ chồng tôi khuyên con lựa chọn học cao đẳng nghề, thời gian đào tạo ngắn, ra trường dễ có cơ hội việc làm và sớm nuôi được bản thân".
Thế nhưng, nói thế nào con của chị My vẫn giữ ý kiến muốn học đại học với quan điểm "trường gì cũng được miễn là có tấm bằng".
Khi mẹ hỏi lý do, con chị cho rằng: "Đa số bạn bè đều có nguyện vọng học đại học, con tin kể cả học đại học không thuộc top đầu, tương lai cũng tốt hơn, công việc sau này sẽ nhàn hơn so với học nghề”.
Câu chuyện của gia đình chị Trà My không hiếm. Thực tế, nhiều người quan niệm tấm bằng đại học là cách giúp các em có tương lai tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học và thất nghiệp không ít. Chưa kể, sinh viên được đào tạo nhưng về doanh nghiệp không làm được việc.
Vậy học nghề và học đại học khác nhau như thế nào?
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Nguyễn Xuân Sang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, cho hay: “Tùy điều kiện gia đình, trong đó có thể kể đến điều kiện kinh tế, sở thích hay định hướng... để quyết định cho con học nghề hay học đại học.
Ví dụ trường hợp trên, gia đình có thể chọn cho con học nghề vì thời gian học ngắn hơn. Trong thời gian đó, sinh viên có thể thêm thu nhập khi thực tập ở doanh nghiệp theo ngành nghề có hưởng lương đặc biệt - những chương trình thực tập hưởng lương với Nhật Bản, Đức”.
Thầy Sang cho biết, hiện nhiều chương trình học nghề liên kết với Nhật Bản theo chương trình 2+1+2.
Tức là các em học 2 năm ở Việt Nam sau đó sang nước ngoài thực hành 1 năm với mức lương khoảng 20-30 triệu đồng/tháng và tiếp tục có 2 năm làm việc ở Nhật Bản. Sau thời gian này, các em có thể chọn làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam hay tiếp tục làm việc ở Nhật Bản. Quan trọng, các em vẫn có thể học tiếp lên đại học.
"Tôi nghĩ đây là hướng phù hợp với điều kiện nhiều gia đình khó khăn, phải nuôi dạy các em 4-5 năm đại học.
Nếu sinh viên tay nghề cao, lương cao hơn bậc đại học. Xu hướng chung ở nhiều nước không quan niệm có học đại học không, quan trọng có nghề giỏi sẽ hưởng lương cao và được trọng dụng”, thầy Sang nói.
Ông Ngô Minh Tuấn - người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam Global, cho biết: “Bản chất học nghề là đi làm một việc cụ thể như sửa chữa, lắp ráp. Học đại học là học phương pháp luận để giải quyết vấn đề bài bản hơn. Ví dụ, người sửa điện thoại thuần túy là mang tính hiện tượng, người học đại học có phương pháp luận để kiến tạo, tạo ra sản phẩm mới".
Theo ông Tuấn, học nghề có tính ứng dụng ngay, dành cho người muốn tốn ít tiền, ngay lập tức kiếm được tiền, sống được bằng nghề.
Học hàn lâm sẽ gặp câu chuyện ra trường không làm được ngay, vào viện nghiên cứu không ai nhận, dẫn tới học đại học dễ thất nghiệp.
Bởi vậy, các quốc gia phân luồng ngay từ sớm, tạo điều kiện cho học sinh (trừ trường hợp xuất sắc được vào thẳng đại học), nếu không vẫn thông qua học nghề rồi học liên thông.