
Aleysha Ortiz, sinh viên năm nhất của Đại học Connecticut (Mỹ) ấp ủ giấc mơ viết truyện và thậm chí xuất bản sách, nhưng đó sẽ là một hành trình đầy thử thách, bởi cô thừa nhận mình mù chữ.
Chia sẻ với CNN, Aleysha cho biết cô từng cảm thấy sợ hãi thay vì háo hức trước ngày tốt nghiệp. Dù nhận bằng loại giỏi - vốn dành cho những học sinh có thành tích xuất sắc - sau 12 năm học tại các trường công lập ở Hartford, cô vẫn không thể đọc hay viết.
Aleysha kể, chỉ hai ngày trước lễ tốt nghiệp, giới chức học khu đề nghị cô hoãn nhận bằng để đổi lấy một chương trình hỗ trợ học tập chuyên sâu. Nhưng cô từ chối: “Tôi nghĩ, họ đã có 12 năm để làm điều đó. Giờ là lúc tôi phải tự lo cho mình”.
Giờ đây, Aleysha đâm đơn kiện Hội đồng Giáo dục Hartford, thành phố Hartford và người phụ trách giáo dục đặc biệt của cô - bà Tilda Santiago - vì đã gây tổn thương tinh thần do thiếu trách nhiệm.

Các quan chức của thành phố từ chối bình luận vì vụ việc đang trong quá trình tố tụng. Phía trường công Hartford cũng tuyên bố không đưa ý kiến, nhưng khẳng định cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu học sinh.
Khi “đứa trẻ hư” thực ra là người cần giúp đỡ
Aleysha sinh ra ở Puerto Rico và từ nhỏ đã có dấu hiệu gặp khó khăn trong học tập. Mẹ em sớm nhận ra con gái cần được hỗ trợ đặc biệt. Vì vậy, năm Aleysha 5 tuổi, gia đình chuyển đến bang Connecticut với hy vọng hệ thống giáo dục ở đây có thể giúp cô bé.
Tuy nhiên, những năm sau đó, tình hình không cải thiện. Theo đơn kiện, ngay từ lớp 1, Aleysha đã không nhận diện được mặt chữ, âm thanh và số. Không được hỗ trợ đúng mức, em bắt đầu có hành vi “quậy phá”, dẫn đến việc bị gán mác là “đứa trẻ hư”.
Lên lớp 6, trình độ đọc hiểu của Aleysha chỉ tương đương trẻ mẫu giáo hoặc lớp 1. Đến trung học, tình hình không khá hơn. Trong năm lớp 10, giáo viên phụ trách giáo dục đặc biệt của em - bà Santiago - bị tố cáo có hành vi quấy rối, đe dọa và trêu chọc Aleysha ngay trước mặt giáo viên và các học sinh khác.
Dù vụ việc đã được báo cáo, chỉ khi mối quan hệ giữa cô - trò trở nên quá căng thẳng, bà Santiago mới bị thay thế.
Cô gái không biết chữ nhưng vẫn đậu đại học nhờ công nghệ
Lên lớp 11, Aleysha vẫn chưa thể cầm bút thành thạo, nhưng em bắt đầu đứng lên đấu tranh cho quyền học tập của mình. Một số giáo viên gợi ý em nên kiểm tra chứng rối loạn đọc (dyslexia).
Bất ngờ, Aleysha được nhận vào Đại học Connecticut. Một tháng trước tốt nghiệp, Aleysha cuối cùng cũng được kiểm tra chuyên sâu, kết quả cho thấy cô bé cần học lại từ đầu về ngữ âm, từ vựng và kỹ năng đọc hiểu - những điều lẽ ra phải được dạy từ lớp mẫu giáo. Trước đó, em đã được chẩn đoán mắc ADHD (tăng động giảm chú ý), rối loạn lo âu và giao tiếp.

Tại sao một người không biết đọc, viết lại vào được đại học? Aleysha cho biết cô nhờ vào các ứng dụng hỗ trợ chuyển văn bản thành giọng nói và ngược lại. Cô dùng chúng để điền đơn, viết luận và làm bài tập.
“Những ứng dụng này cho tôi khả năng mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình có”, cô nói.
Aleysha học bằng cách ghi âm bài giảng, về nhà nghe lại, tìm nghĩa từng từ bằng phần mềm đọc và sau đó nói đáp án, rồi chuyển thành văn bản để nộp bài. Nhờ công nghệ, điểm số của cô từ mức C và D đã nâng lên A và B. Nhưng để có được điều đó, Aleysha phải học đến 1-2h sáng mỗi ngày, rồi dậy từ 6h để đi học.
Dù vậy, khi được hỏi liệu có thể đọc một đoạn văn, Aleysha chỉ lắc đầu: “Không thể. Tôi chỉ thấy những từ ngữ vô nghĩa hiện khắp nơi…”.
“Tôi muốn họ phải chịu trách nhiệm”
Hiện tại, Aleysha đang tạm nghỉ học để điều trị tâm lý nhưng dự định sẽ quay lại trường sớm. Cô cho biết mục tiêu của vụ kiện là buộc nhà trường và hệ thống giáo dục phải chịu trách nhiệm, để không còn ai rơi vào hoàn cảnh giống mình.
Về phần mình, Aleysha nói: “Tôi là người rất đam mê học tập. Họ đã tước đi cơ hội được học của tôi. Giờ đây, khi đã vào đại học, tôi muốn nắm lấy cơ hội đó. Vì đây là tương lai của tôi”.
