Dù thị trường smartphone đã bão hòa và tốc độ sáng tạo của các hãng đã chững lại rõ rệt, năm 2015 vẫn ghi nhận nhiều sự đổi mới ấn tượng của các thương hiệu hàng đầu như Apple, Samsung, Sony, BlackBerry...
Apple: Live Photos
Thật khó để chọn ra tính năng mới thực sự được lòng người dùng của Apple trong năm 2015 này. Dễ thấy 3D Touch là một ý tưởng mới khá cuốn hút, nhưng cần có thêm thời gian (cũng như ứng dụng hỗ trợ) để chúng ta biết chắc chắn rằng tính năng này khả dụng chứ không phải vẽ vời trên giấy. Tương tự, tính năng màn hình biến thành đèn flash khi chụp selfie cũng hơi bất tiện với người dùng.
Thế còn Live Photos thì sao? Tính năng biến mỗi bức ảnh tĩnh thành video clip siêu ngắn (1,5 giây) này mang đến sự vui nhộn và thú vị cho người dùng, dù nó cũng khá ngốn bộ nhớ. Và nhờ các ứng dụng của bên thứ ba, bạn có thể dễ dàng biến chúng thành ảnh động GIF và chia sẻ với bạn bè.
BlackBerry: Can đảm buông tay
Năm nay, BlackBerry không giới thiệu được tính năng nào nổi bật để góp mặt trong danh sách này. Thế nhưng hãng vẫn xứng đáng được ghi nhận ở sự can đảm khi dám gạt sang bên lòng kiêu hãnh cùng hệ điều hành BlackBerry 10 quen thuộc để tung ra Priv, mẫu smartphone đầu tiên dùng hệ điều hành Android.
Dù BlackBerry 10 mang theo nhiều kỳ vọng của Dâu đen, nhưng rõ ràng, nó không được thị trường đón nhận. Việc bảo thủ bám mãi vào một nền tảng ít người dùng sẽ khiến cho Blackberry lâm vào ngõ cụt. Hãng đã nhận ra điều này và quyết định liều thử một hướng đi mới mẻ. Và điều đáng nói là Priv không phải một sự thử nghiệm nửa mùa. Con dế này đang nhận được sự đánh giá khá cao từ giới công nghệ và có những dấu hiệu đón nhận ban đầu khá tích cực. Hy vọng rằng BlackBerry sẽ có thể thực sự tái xuất thị trường trong năm 2016 với hướng đi này.
Google: Camera của Nexus 6P
Năm nay, Google đặc biệt ra mắt tới 2 mẫu smartphone mới thuộc họ Nexus là Nexus 5X và Nexus 6P. Trong đó, Nexus 6P đặc biệt gây được ấn tượng với giới công nghệ ở chất lượng chế tác và camera xuất sắc của nó.
Các bài kiểm tra so sánh chất lượng camera cụ thể của PhoneArena cho thấy, Nexus 6P luôn đứng ở tốp đầu, ngang hàng với các smartphone đầu bảng danh tiếng như iPhone hay Samsung Galaxy S6, Galaxy Note 5. Đây thực sự là một bước tiến vượt bậc vì camera luôn bị cho là mắt xích yếu nhất trong chuỗi giá trị của họ máy Nexus ngay từ khi nó mới ra mắt.
HTC: Sense 7
Cũng giống như BlackBerry, HTC đã có một năm đầy nhọc nhằn với thị phần, lợi nhuận và doanh thu đều sụt giảm. Con dế đầu bảng mà hãng tung ra trong năm nay - One M9 - chỉ được đón nhận một cách hờ hững từ phía thị trường, còn giới chuyên môn thì chê bai không tiếc lời vì sự "lười sáng tạo, thiếu mới mẻ" của HTC. Điểm cộng duy nhất trong tình hình hiện tại là giao diện Sense 7, đã được HTC thiết kế tinh gọn đáng kể so với các phiên bản trước đây. Giao diện này trông khá sành điệu, đẹp mắt và ấn tượng nhưng vẫn dễ dùng và không khiến người dùng bối rối trong ma trận tính năng.
Microsoft: Display Dock và Continuum
Gã khổng lồ phần mềm khá im hơi lặng tiếng trong năm 2015, có lẽ là vì còn bận giải quyết những vấn đề tài chính mà thương vụ mua lại Nokia gây ra, đồng thời chuẩn bị cho lễ ra mắt hệ điều hành Windows 10. Cho đến khi bộ đôi Lumia 950 và 950 XL ra mắt hồi đầu tháng 10 vừa qua, đã một năm rưỡi nay hệ điều hành Windows Phone không có một smartphone đầu bảng mới nào.
Sự kiên nhẫn của người dùng có vẻ đã không bị thất vọng. Hai con dế này có phụ kiện đi kèm là Display Dock, cho phép bạn đấu nối smartphone của mình với một màn hình máy tính và chạy hệ điều hành Windows 10 với độ phân giải 1080p và tốc độ 60 hình/giây. Đây là một thông số rất ấn tượng, nhất là khi 950/950 XL vẫn hoạt động bình thường ở chế độ này.
Motorola: Moto ShatterShield
Motorola là một thương hiệu smartphone thực dụng, nồi đồng cối đá thay vì duy mỹ. Từ hệ điều hành Android gần như nguyên gốc cho đến pin khủng, Motorola luôn cho thấy phong cách Mỹ đầy thực tế khi thiết kế điện thoại. Tuy nhiên, màn hình hay bị rạn là một nhược điểm cố hữu của hãng.
Phải đến cách đây 2,5 tuần, Motorola mới giải quyết được vấn đề này, nhờ thiết kế màn hình 5 lớp ShatterShield Moto nhằm đảm bảo màn hình smartphone sẽ không vỡ kể cả khi bạn làm nó rơi thẳng xuống đất. Trên thực tế, Motorola dám chắc về giải pháp của mình tới mức hãng đã bảo hành màn hình với thời hạn lên tới 4 năm.
Samsung: Thiết kế mới đột phá
Từ Galaxy S6 và S6 Edge hồi đầu năm cho đến Note 5 và S6 Edge+ ra mắt mùa thu, Samsung đã cho thấy một sự thay đổi hoàn toàn, triệt để trong ngôn ngữ thiết kế của mình. Thay vì chất liệu nhựa quen thuộc (hoặc viền kim loại 2 cạnh là cùng), giờ đây các con dế đầu bảng của hãng sở hữu thiết kế kính/kim loại sang trọng, sành điệu và ấn tượng hơn hẳn.
Tất nhiên, để đạt được thiết kế duy mỹ này, Samsung cũng đã có những hy sinh gây nhiều luyến tiếc ở người dùng như loại bỏ khe cắm thẻ nhớ hay pin tháo rời.
Sony: Công nghệ lấy nét tự động lai
Dù camera chính 23MP của Xperia Z5 không gây được ấn tượng mạnh cho giới công nghệ về chất lượng ảnh chụp, nhưng họ cũng không thể chối bỏ thành tựu của Sony với hệ thống lấy nét tự động lai (Hybrid Autofocus) nhanh như điện xẹt.
Công bằng mà nói, Sony tuyên bố Z5 có thể lấy nét chỉ trong 0.03 giây, trong khi Strategy Analytics ghi nhận tốc độ lấy nét trung bình là 0.2 giây. Nhưng so với tất cả các đối thủ khác, đây đã là thành tích không thể phàn nàn rồi.
T.Cầm