Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam đã bước sang năm thứ 14 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và một số tiêu chí khác như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế, uy tín truyền thông… của doanh nghiệp.
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2024
Năm nay, khu vực Tư nhân vẫn dẫn đầu và tăng so với giai đoạn trước. Trong khi đó, ở khu vực Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tốc độ tăng trưởng doanh thu kép chưa cải thiện nhiều. Tuy nhiên, xét về số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng doanh nghiệp nằm trong hai khu vực này lại có sự gia tăng so với năm trước.
Hệ quả sau những “cơn gió ngược”
Theo S&P Global, trong 10 tháng của năm 2023 (trừ tháng 2 và tháng 8), chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) các ngành sản xuất Việt Nam liên tục dưới ngưỡng 50 điểm, phác họa phần nào bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trước sự suy yếu của tổng cầu trong nước lẫn thế giới.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận mức âm kể từ năm 2009. Tính chung cả năm ngoái, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4% và nhập khẩu giảm 8,9%.
Sự suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, khó khăn về nguồn vốn… khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo. Xét bình quân, trong năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong 2 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui đã vượt số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy có tới 51,7% số doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch doanh thu và 46,7% số doanh nghiệp không đạt mức lợi nhuận đề ra trong năm 2023. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm sút tăng gần gấp đôi và gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Bối cảnh 2024 - “vùng đệm” cho sự thay đổi
Tuy khó có thể chuyển biến một sớm một chiều song năm 2024 được kỳ vọng là “vùng đệm” cho những thay đổi ở cả trong và ngoài nước, từ đó tái định hình môi trường kinh doanh.
Xét trên phạm vi quốc tế, chính trường các nước sẽ có sự biến động. Đây là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử với hơn 50 quốc gia, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu. Với hàng loạt nguyên thủ quốc gia mới, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ bước vào một giai đoạn rất khác so với hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng có chung dự báo: chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ đảo chiều. Lạm phát hạ nhiệt cùng với dấu hiệu chững lại của các nền kinh tế lớn đã dọn đường cho các đợt giảm lãi suất trong năm nay, và làn sóng hạ lãi suất có thể là xu hướng chủ đạo trên toàn cầu.
Còn ở trong nước, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ. Đây cũng là năm bản lề trước khi những bộ luật liên quan đến các ngành kinh tế trọng điểm có hiệu lực và sẽ là năm cảm nhận tác động từ các chính sách tài khoá và tiền tệ thẩm thấu.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Vietnam Report, triển vọng nền kinh tế trong năm được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 - mức khả quan so với năm 2023. Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào kịch bản tăng trưởng từ 5,0-5,5%.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2024
Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 6 cơ hội lớn đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp, đặc biệt phải kể tới vai trò của Chính phủ và khả năng thích ứng linh hoạt của chính doanh nghiệp.
Do bối cảnh kinh tế luôn biến động, các doanh nghiệp cần phải duy trì tính chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi. Trong đó, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng, nắm bắt được xu hướng thị trường kết hợp với năng lực quản trị tốt, văn hóa doanh nghiệp vững mạnh được cho là chìa khóa quyết định đến quá trình phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Mặt khác, điểm tựa tăng trưởng cho các doanh nghiệp sẽ đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng những chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực là tiền đề để doanh nghiệp vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại quỹ đạo tăng trưởng mới.
Bên cạnh các cơ hội cần nắm bắt, doanh nghiệp cũng lưu ý một số yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức tăng trưởng trong năm nay, chẳng hạn như kinh tế thế giới không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại, thương mại quốc tế giảm động lực tăng trưởng, áp lực về đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024…
Tuy vẫn còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết, song không thể phủ nhận những động lực và thời cơ mới dẫn dắt nỗ lực phục hồi của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang dần rõ ràng. Dù không nhiều hứa hẹn cho một kịch bản tăng trưởng đột phá, nhưng với đòn bẩy từ việc phát huy các động lực truyền thống cùng bệ phóng vững chắc từ môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, doanh nghiệp có cơ sở kỳ vọng năm 2024 sẽ là một “vùng đệm” quan trọng để chuyển giao sang thời kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại.
(Nguồn: Vietnam Report)