Doanh thu kép
Bảng xếp hạng FAST500 năm nay ghi nhận và tôn vinh các DN đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín DN trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của DN trong ngành hoạt động.
Top 10 vị trí đứng đầu bảng FAST500 năm nay vinh danh các DN đó là: Công ty CP Hưng Thịnh Land; Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas; Công ty Tài chính CP Tín Việt; Công ty Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi; Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai; Công ty CP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê; Công ty CP Tập đoàn Sao Mai; Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nam Hoa; Công ty CP Chứng khoán Tân Việt; Công ty cp Chứng khoán KB Việt Nam.
Theo các DN FAST500, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn; chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; nhu cầu thị trường biến động; gián đoạn chuỗi cung ứng; thiếu hụt lao động và bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới, là 6 thách thức lớn nhất họ phải đối mặt trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, khảo sát 186 DN trong “Bảng xếp hạng FAST500” năm nay cho thấy, có đến 75,8% vẫn giữ vững được đà tăng trưởng về doanh thu trong năm 2021, chỉ có 23,7% DN có doanh thu bị giảm so với năm 2020. Cùng với đó, 72,6% DN ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng lên so với năm trước và gần 1/3 trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 75%.
Để giữ được đà tăng trưởng, các DN cho biết, đã triển khai tốt công tác điều hành, đặc biệt là kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch. Tiếp đến là dựa vào lợi thế sẵn có của đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao. Cùng với đó là tập trung khai thác và phát triển thị trường hiện có; phát triển các dòng sản phẩm mới và ứng dụng thành công chuyển đổi số trong quản lý, vận hành.
Kết quả khảo sát trên cũng cho thấy, năm 2020 khi dịch Covid xuất hiện, các DN phải phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ để vượt qua khó khăn. Nhưng sang năm 2021, DN đã chủ động hơn với các biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt để thích nghi với bối cảnh mới. Không những thế, các DN FAST500 vẫn tiếp tục duy trì các chiến lược kinh doanh cốt lõi trong nhiều năm qua, đó là phát triển thị trường hiện có, phát triển các dòng sản phẩm mới và khai phá phân khúc thị trường tiềm năng.
Chuyển đổi số được xem như sự lựa chọn mang tính thời sự, quyết định sự sống còn của DN chứ không còn thời gian để “dè dặt” thử nghiệm. Qua đó, các DN có thể duy trì hoạt động, cung ứng hàng hóa và dịch vụ, tồn tại và thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới kết thúc.
Lạc quan về tăng trưởng
Lần đầu tiên lọt vào Bảng xếp hạng FAST500, Công ty TNHH Woosung Việt Nam là DN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Lim Min Soo, Tổng giám đốc Woosung Việt Nam, chia sẻ, tuy gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng từ đại dịch và khủng hoảng nguyên vật liệu, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi đã cố gắng giải quyết từng vấn đề một. Trước hết là luôn có những phương án nguyên liệu thay thế cũng như dự phòng và liên tục cải tiến quy trình, đưa công nghệ số vào quản lý, nâng cấp thiết bị, để sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi về nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Luôn lắng nghe khách hàng, để tiếp tục cải tiến. Bên cạnh đó là đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Chẳng hạn Woosung Việt Nam cho ra sản phẩm mới với tên gọi “NEO”, giúp giải quyết được 2 vấn đề lớn về môi trường và kỹ thuật trong chăn nuôi lợn, cho các trang trại vừa và nhỏ.
Việc tăng trưởng trong ngành sản xuất đầy cạnh tranh như thức ăn chăn nuôi là điều cực khó. Trong suốt 5 năm Woosung Việt Nam không chỉ chú trọng vào việc cung cấp các sản phẩm chất lượng mà còn hợp tác, liên kết tạo thành hệ sinh thái chăn nuôi chặt chẽ để các thành viên cùng phát triển. Điều này đã tạo nên hiệu quả giúp Woosung Việt Nam lọt vào top 500 DN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, ông Lim Min Soo cho hay.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank lọt vào 2 bảng xếp hạng Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất và Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2022.
Đại diện PVcomBan chia sẻ, 2021 là thời điểm thử thách khả năng thích ứng, chống chịu và sự phục hồi của DN. Ngân hàng hạn chế tối đa các tác động tiêu cực để đảm bảo hoạt động liên tục, duy trì đà tăng trưởng ổn định, hiệu quả và bền vững, hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, PVcomBank còn có nhiều chính sách, chương trình ưu đãi để thúc đẩy các kế hoạch tái sản xuất cho khách hàng cá nhân và DN, hướng tới phục hồi nền kinh tế quốc gia hậu Covid-19... Đó là lý do ngân hàng này được ghi nhận tăng 59 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2021 - vươn lên vị trí 262 và xếp thứ 14 trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Với năm 2022, các DN FAST500 đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng. Có 89,2% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh. Các DN cho biết, sẽ tập trung vào 6 ưu tiên chiến lược đó là: tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự; đẩy mạnh xúc tiến bán hàng; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; tăng cường hệ thống quản trị rủi ro và tăng cường hợp tác đầu tư.
Các DN FAST500 mong muốn Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường các gói hỗ trợ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Trần Thủy