50 doanh nghiệp chiếm 57% vốn hoá toàn thị trường
Tại thời điểm công bố, vốn hóa của 50 doanh nghiệp (DN) đại chúng trong danh sách VIX50 năm 2023 của Vietnam Report chiếm trên 57% toàn thị trường, ROE năm 2022 trung bình đạt 21,1%, tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận trung bình 5 năm đạt tương ứng lần lượt là 14,1% và 26,3%. Có 29 DN đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD, 25 DN đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, và 43 DN đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Nhóm ngành Ngân hàng áp đảo với 15 đại diện, tiếp đến là nhóm ngành Bất động sản (6), Xây dựng - Vật liệu xây dựng (5), Vận tải - Logistics (4), Thực phẩm (4), Hóa chất (4). Xét về hiệu quả sinh lời ROE, nhóm ngành Hóa chất đặc biệt là phân bón dẫn đầu với những tên tuổi lớn như Hóa chất Đức Giang (DGC), Phân bón Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM). Trong khi đó, Thế giới số (DGW) và Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) là 2 DN có tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu giai đoạn 2018-2022 cao nhất thị trường (trên 30%). Đối với tốc độ tăng trưởng kép về lợi nhuận giai đoạn 2018-2022, cao nhất thị trường thuộc về Tổng DN Hàng hải Việt Nam (MVN), SeABank (SSB) và Đạm Phú Mỹ (DPM).
Chiến lược kinh doanh trong thời kỳ suy thoái
Trong bối cảnh hiện tại, tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế và rủi ro tiềm ẩn từ những biến số mới tiếp tục đòi hỏi sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng nhạy bén tận dụng cơ hội để tăng trưởng của DN. Đặc biệt, khi toàn thị trường chứng khoán bước vào thời kỳ khôi phục niềm tin sau những vụ án sai phạm giai đoạn trước, việc nâng cao uy tín và hiệu quả, tạo dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh và một chiến lược marketing được thực hiện tốt cần được chú trọng và gia tăng hơn nữa. Củng cố danh tiếng, hình ảnh DN trong mắt các nhà đầu tư và cổ đông được coi là chìa khóa duy trì niềm tin, góp phần cải thiện vốn hóa thị trường, thu hút giá trị từ các cổ đông và thiết lập thành công lâu dài trên thị trường chứng khoán.
Các DN lý tưởng nhất là những DN vừa thận trọng trong việc quản lý rủi ro, vừa tích cực theo đuổi cơ hội. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nghiên cứu của McKinsey cho thấy các DN có tư duy tăng trưởng - có sức chống chịu bền bỉ khi đối mặt khó khăn, liên tục tìm cách cải thiện năng lực, sử dụng chiến lược mới và tích cực với lối chơi “tấn công”, tạo ra những thay đổi nhằm thích ứng linh hoạt với khó khăn trong thời kỳ kinh tế suy thoái - đã đạt được tổng lợi nhuận của cổ đông cao hơn thị trường trong mười năm sau đó. Trung bình, tổng lợi nhuận của cổ đông tích lũy của các DN này tăng 150 điểm phần trăm so với các DN cùng ngành. Khoảng 70% các DN này đã lọt vào và duy trì hoạt động ở nhóm ngũ phân vị hàng đầu trong lĩnh vực của họ.
Không có công thức chung nào phù hợp với tất cả DN trong thời kỳ suy thoái. Cách tốt nhất để DN ứng phó với biến động thị trường là phát triển một kế hoạch rõ ràng các mục tiêu, mốc quan trọng và ngân sách phù hợp; trong đó, đảm bảo các yếu tố:
Quản lý rủi ro phù hợp - duy trì bảng cân đối kế toán vững mạnh: Dòng tiền là huyết mạch của bất kỳ DN nào và các chiến lược kinh doanh nhằm tạo ra khả năng phục hồi, phải tăng cường khả năng thanh khoản thông qua quản lý vốn lưu động hiệu quả. Trong nền kinh tế biến động, điều quan trọng là phải duy trì dòng tiền mạnh. Quản lý tài chính một cách thận trọng để bảo toàn dòng tiền là điều cần thiết, trong đó bao gồm cân nhắc kỹ lưỡng các chi phí, tăng hiệu quả, tạo thêm doanh thu và tìm kiếm nguồn tài trợ mới. Song song với đó là quản lý rủi ro mạnh mẽ, theo dõi các động thái có khả năng tác động đến thị trường và thường xuyên đánh giá dựa trên các ngưỡng rủi ro đã xác định trước để có thể thực hiện các điều chỉnh phù hợp. Theo đó, các DN có thể đảm bảo không mạo hiểm quá mức trong các giai đoạn biến động giá đáng kể hoặc chịu tổn thất quá mức do các sự kiện không lường trước được.
Xây dựng sự linh hoạt trong DN: Sự linh hoạt giúp DN điều chỉnh các kế hoạch ứng phó với những tình huống bất ngờ. Các DN có thể thích ứng nhanh có nhiều khả năng đảm bảo sự phục hồi và tăng trưởng. Điều này đòi hỏi liên tục xem xét và điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch để thích ứng với các điều kiện thị trường đang thay đổi. DN cần xem xét lại mọi mắt xích trong các quy trình công việc đã tuân theo trong nhiều năm. Đặc biệt, phần lớn khả năng linh hoạt và dễ thích nghi của một DN bắt nguồn từ văn hóa. Do đó, thay đổi tư duy, trao quyền cho nhân viên của mình, phân phối quyền ra quyết định trong toàn DN và đơn giản hóa các thủ tục là điều cần thiết. Điều này cùng với văn hóa chia sẻ kiến thức và cộng tác của nhân viên thúc đẩy khả năng phản ứng nhanh của DN.
Nhìn chung, khi nền kinh tế vẫn đang phát đi những tín hiệu biến động và rủi ro suy thoái chưa dừng lại, lựa chọn chiến lược nào để định hình mình trong thời điểm này được cho là yếu tố không chỉ quyết định đến hiện tại mà cả tương lai của DN. Xem xét bức tranh tổng thể cơ hội và xu hướng với tầm nhìn dài hạn, linh hoạt trong chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược thương hiệu nói riêng, đồng thời nhanh nhạy nắm bắt những yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi (như công nghệ) là những điều kiện tiên quyết để DN thiết lập động lực tăng trưởng mới. Lịch sử đã chứng minh: Các chu kỳ kinh doanh vận hành dưới những làn sóng đổi mới lâu dài và suy thoái cũng có thể là cơ hội cho DN tái tạo sức sống và vươn lên vị thế khác biệt.
(Theo Vietnam Report)