10 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc nhất 2015 vừa được tôn vinh tại chương trình Danh hiệu Sao Khuê 2016 sáng nay, 23/4, với tổng doanh thu hơn 240 triệu USD, chiếm 17% doanh thu của toàn ngành phần mềm nội hiện nay.
Đây đều là các sản phẩm, dịch vụ dẫn đầu về các mặt doanh thu, uy tín thương hiệu, thị phần, số lượng khách hàng sử dụng, đặc biệt là tạo được hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, đại diện Ban tổ chức cho biết.
Hội đồng Chung tuyển năm nay gồm 28 thành viên, là các chuyên gia uy tín đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia công nghệ và các phóng viên chuyên ngành CNTT. Từ 17 đề cử của Hội đồng Sơ tuyển và các đoàn thẩm định thực tế, Hội đồng Chung tuyển đã quyết đinh lựa chọn 6 sản phẩm và 4 dịch vụ xuất sắc nhất của 10 doanh nghiệp để công nhận danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2016.
2 thay đổi đột phá
Phát biểu tại Lễ trao Danh hiệu sáng nay, 23/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá, sau 13 năm tổ chức, Sao Khuê đã có bước tiến dài cả về nội dung, hình thức, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của doanh nghiệp CNTT với các sản phẩm, dịch vụ CNTT ngày càng đa dạng, phong phú.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ trao Danh hiệu Sao Khuê 2016. |
Cụ thể, 4 gương mặt được vinh danh ở nhóm Dịch vụ - top 10 Sao Khuê 206 là Công ty TNHH Phần mềm FPT, Công ty Cổ phần Global CyberSoft (VN), Công ty TNHH Harvey Nash VN và Công ty TNHH KMS Technology VN.
Cả 4 dịch vụ đều là dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm, với tổng doanh thu lên đến hơn 5,200 tỷ đồng (230 triệu USD) và tổng số lao động gần 11,000 người. Từ năm 2009 đến nay, hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm liên tục là điểm sáng trong sự phát triển của ngành với tỉ lệ tăng trưởng trung bình từ 30 – 35% tập trung vào 3 mảng thị trường chính là Bắc Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu, hàng năm đem lại nguồn ngoại tệ rất tốt cho Việt Nam.
6 sản phẩm phần mềm được vinh danh trong Top 10 thuộc về Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Viễn thông Viettel, Công ty Hệ thống Thông tin FPT, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Cổ phần Phần mềm BRAVO và Công ty CP Đầu tư Phát triển & Chuyển giao Công nghệ VINA.
Top 10 Sao Khuê 2016. |
"So với Sao Khuê 2015, Sao Khuê 2016 có 2 thay đổi tích cực mang tính đột phá", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định. Thứ nhất, chương trình đã bổ sung đề cử trong 5 lĩnh vực mới là giao thông vận tải, quản lý bán hàng; y tế, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp; du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn; nhà thông minh (smart home) và ứng dụng cho giáo dục và đào tạo. Thứ hai, năm 2016 là năm đầu tiên chương trình bình chọn 10 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc nhất về các mặt doanh thu, thương hiệu, thị phần, và đặc biệt là mức độ ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. "Đây là các thay đổi cần thiết để xác định được các sản phẩm CNTT mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao trên các thị trường mới nổi và được quan tâm rộng rãi", ông phân tích.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA - đơn vị tổ chức Sao Khuê cho biết, ngoài tăng trưởng doanh thu ấn tượng, nhiều sản phẩm dịch vụ năm nay đã áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất như SMAC hay IoT. Đặc biệt, Sao Khuê 2016 cũng có sự tham gia nhiệt tình của các công ty công nghệ khởi nghiệp. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập TPP và đang có nhu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Được biết, những sản phẩm xuất sắc nhất được công nhận Sao Khuê 2016 sẽ được đề cử tham gia Giải thưởng CNTT quốc tế APICTA của châu Á - TBD.
Xây dựng thương hiệu Việt chất lượng cao, vươn ra quốc tế
Chia sẻ về ý nghĩa của Chương trình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định đây là "một sân chơi uy tín mang tầm quốc gia thường niên cho các doanh nghiệp CNTT trong nước". Từ sân chơi đó, VN có thể lựa chọn ra các sản phẩm thương hiệu Việt có chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước cũng như vươn ra tầm quốc tế. Những danh hiệu như Sao Khuê còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đồng thời, giúp định hướng người sử dụng trong việc chọn mua các sản phẩm, dịch vụ CNTT tốt nhất.
Vị trưởng ngành TT&TT nhấn mạnh, "CNTT đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đồng thời có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới; đứng trong Nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm", ông chỉ ra.
Lý giải về những nhân tố tạo nên thành công bước đầu tích cực này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặc biệt ghi nhận vai trò, theo ông, là cực kỳ quan trọng, của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp CNTT. "Đây là lực lượng luôn tâm huyết, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên và đã dành nhiều công sức, trí tuệ, tài năng, tài chính đi tiên phong, trực tiếp trên mặt trận sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT". Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các hội, hiệp hội CNTT trong việc tập hợp, bảo vệ, hỗ trợ và phát huy sức mạnh doanh nghiệp CNTT.
Tuy nhiên, những thách thức tới đây là hiện hữu và có thật. Sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hình thành cộng đồng ASEAN, cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là hiệp định TPP, Việt Nam - EU.... dù mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn nhưng cũng khiến cho cạnh tranh trở nên gay gắt hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, vị Trưởng ngành TT&TT đã đưa ra những "đề bài" rất rõ ràng cho cả giới doanh nghiệp lẫn hiệp hội CNTT. Theo đó, các doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là các doanh nghiệp được vinh danh cần phát huy những thế mạnh của mình, nhanh chóng nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, nhanh nhạy tiếp cận với những công nghệ mới để có thể hòa nhập tốt với xu thế của thế giới cũng như tìm kiếm các cơ hội mới tại những thị trường mới.
Về phía mình, các hiệp hội như VINASA cần tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT; hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp đó; việc tổ chức các sân chơi nói chung và Sao Khuê nói riêng cần được liên tục làm mới, nâng cao chất lượng, từ đó lựa chọn ra các sản phẩm xứng đáng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; chuẩn bị các đề xuất cho Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, chiến lược phát triển ngành.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của phong trào khởi nghiệp và khuyến nghị các doanh nghiệp start-up nên hướng tới những xu hướng lớn, thống trị toàn cầu trong tương lai gần như Internet của vạn vật, phát triển các ứng dụng gần gũi, kết nối giữa các lĩnh vực căn bản như giáo dục, y tế... thông qua hạ tầng viễn thông, kết hợp với truyền thông để hướng tới mục tiêu đạt được tiêu chí Quốc gia học tập, năng động, sáng tạo, xã hội hoá khởi nghiệp.
"VINASA cần góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm (hub) viễn thông - CNTT trong khu vực. Hiện nay hạ tầng viễn thông đã đầu tư mạnh trong nước, nếu tận dụng hạ tầng này để phát triển ra khối Đông Dương, ĐNA thì sẽ tận dụng tốt hơn hiệu quả đầu tư mạng lưới", ông kết luận.
Top 10 Sao Khuê - Nhóm sản phẩm:
1. Hệ thống giải pháp phần mềm Bravo 7 ERP của Công ty Cổ phần Bravo: được hơn 2500 khách hàng sử dụng. Doanh thu 55,5 tỷ đồng năm 2015.
2. Hệ thống thanh toán đa dịch vụ tại quầy Bưu điện - PayPost của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Chuyển giao Công nghệ VINA: đã triển khai trên 2800 điểm bưu cục kết nối online, với các dịch vụ thu chi hộ, chuyển tiền cho trên 600 đối tác. Doanh thu 2015 là 19,4 tỷ.
3. Phần mềm mSales - Tổng công ty viễn thông MobiFone. Giải pháp đã được triển khai tại MobiFone với vai trò là hệ thống duy nhất trong quản trị, quản lý kênh phân phối và lực lượng bán hàng, góp phần giúp MobiFone đạt kết quả KD vượt kế hoạch năm 2015.
4. Dịch vụ chuyển tiền mặt Bankplus - Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel: giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào việc mở tài khoản ngân hàng, mang lại doanh thu lớn cho Tập đoàn.
5. Hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty Đường sắt VN - FIS: cung cấp thông tin công khai, minh bạch về kho vé của ngành đường sắt, giảm thiểu, ngăn chặn nạn đầu cơ vé, thân thiện và hỗ trợ hành khách tối đa.
6. Phần mềm Kế toán MISA SME.NET 2015 - công ty Cổ phần MISA : phần mềm kế toán duy nhất tại VN cho phép kế toán kê khai thuế qua mạng trực tiếp từ phần mềm đến cơ quan thuế, thông qua dịch vụ kê khai thuế qua mạng MTAX.VN. Sản phẩm đã đem lại doanh thu 106.1 tỷ đồng cho MISA, được hơn 21.000 khách hàng sử dụng trên toàn quốc.
Nhóm dịch vụ:
1. Xuất khẩu dịch vụ phần mềm - FPT Software. Công ty hiện là đối tác của 400 Tập đoàn, công ty quốc tế lớn.
2. Dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm - Global Cybersoft Vietnam. Doanh thu 2015 đạt 402,6 tỷ đồng.
3. Dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm - Harvey Nash VN. Doanh thu 2015 đạt 633 tỷ đồng với hơn 100 khách hàng lớn.
4. Dịch vụ gia công phát triển phần mềm cho thị trường Mỹ - KMS Technology VN, đem lại cho công ty doanh thu 275,5 tỷ đồng trong năm 2015.
Trọng Cầm