a11111111.png
Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2024. Nguồn: Vietnam Report
a222222.png
Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số uy tín năm 2024. Nguồn: Vietnam Report

Cục diện và triển vọng ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông

Năm 2023, kinh tế số ước tính đóng góp khoảng 16,5% GDP. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 46/132, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu. 

Tuy gặp nhiều khó khăn do bối cảnh toàn cầu nhưng đà tăng trưởng của ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) Việt Nam vẫn ổn định. Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT tăng trưởng 1,4% so với năm 2022, ước đạt 3.397.492 tỷ đồng (tương đương 142 tỷ USD). Quý I/2024, doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm CNTT cũng khởi sắc khi tăng 17%, đạt mức 31 tỷ USD. 

100% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đồng thuận rằng, tăng trưởng sẽ là xu hướng chủ đạo của ngành trong nửa cuối năm nay. 

a333333.png
Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng 5/2021-2024. Nguồn: Vietnam Report
a44444444.png
Nguồn: Vietnam Report

Vận hội mới cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

Theo Vietnam Report, năm 2024 sẽ là một năm triển vọng lớn cho các doanh nghiệp CNTT - VT Việt Nam, với 5 vấn đề nổi trội có thể coi là “vận hội mới” cho các doanh nghiệp ngành này. 

Phổ cập hạ tầng số với những bước hoàn thiện về thể chế: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã bước sang năm thứ 5 với nhiều thành tựu. Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) đã được xây dựng và triển khai trên toàn quốc. Chính phủ cũng đưa ra định hướng Phát triển kinh tế số và Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sắp tới, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ bắt đầu có hiệu lực, giúp cải thiện hành lang pháp lý và tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. 

Thương mại hóa 5G - bước tiến vượt bậc trong viễn thông: Việc Bộ TT&TT tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện vào tháng 3/2024 đánh dấu ý nghĩa quan trọng khi mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G. Với khả năng ứng dụng trong đa lĩnh vực, mạng di động 5G khi đi vào hoạt động sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), học máy (ML)…

Sự hội tụ và phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới: Theo Vietnam Report, đa số doanh nghiệp cho biết hiện có tích hợp AI vào các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, 22,2% số doanh nghiệp trong đó thừa nhận chưa thấy hiệu quả lớn, cho thấy việc triển khai AI sẽ không mang lại kết quả ngay lập tức. Mặt khác, thiếu vốn, chi phí đầu tư cao, thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, bảo mật dữ liệu… vẫn là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng công nghệ mới. 

Cơ hội phát triển ngành bán dẫn: Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, nguồn nhân lực chất lượng và chi phí cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tham gia vào thị trường bán dẫn. Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần gấp rút triển khai và hoàn thiện những chiến lược liên quan, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn đồng bộ với phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. 

Sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ công nghệ, các giải pháp bảo mật mới: Với sự phát triển của hạ tầng số và sự phổ cập của công nghệ 5G, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ hiện đại ngày càng tăng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp và dịch vụ mới. 

a555555.png
Dữ liệu Media coding các doanh nghiệp CNTT-VT, từ tháng 5/2021-4/2024. Nguồn: Vietnam Report

Sự “nóng lên” của mặt trận an ninh mạng

Trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ, công nghệ mở ra cả những cơ hội đột phá lẫn các thách thức an ninh mạng. Việt Nam ghi nhận 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống trong năm 2023, tăng 9,5% so với năm 2022. Chỉ tính trong quý I/2024, có tới 29.000 báo cáo lừa đảo liên quan đến tội phạm mạng. Các cuộc tấn công diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi, gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Các doanh nghiệp nhận định 4 hạn chế phổ biến nhất dẫn đến các mối đe doạ an ninh mạng hiện nay là: Sự lỏng lẻo trong quản lý quyền truy cập, chính sách về an ninh mạng (88,9%); Không thường xuyên tra soát, phát hiện rủi ro tấn công mạng (77,5%); Năng lực của đội ngũ nhân viên còn hạn chế (66,7%); Sự lạc hậu của công nghệ an ninh mạng và cơ sở hạ tầng (57,8%).

Theo đó, các doanh nghiệp đánh giá 5 giải pháp ưu tiên bao gồm: Triển khai các khoá đào tạo cho nhân viên (69,4%); Nâng cao giám sát an ninh mạng, kiểm soát truy cập, áp dụng biện pháp bảo mật tiên tiến (68,0%); Đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng, giải pháp công nghệ an ninh mạng (66,7%); Chuẩn bị các kịch bản ứng phó (55,6%); Thực hiện kiểm tra và đánh giá rủi ro định kỳ (38,9%).

a666666.png
Khảo sát doanh nghiệp công nghệ, tháng 5/2023-2024. Nguồn: Vietnam Report

Chiến lược vươn tầm của các doanh nghiệp công nghệ

Theo kết quả phân tích truyền thông của Vietnam Report, từ tháng 5/2021, chủ đề Chiến lược kinh doanh/M&A luôn có sự tăng trưởng đều đặn về tần suất xuất hiện, phản ánh sự quan tâm của công chúng và các nhà đầu tư xoay quanh các hoạt động chiến lược quan trọng. 

Sự đổ bộ của những “gã khổng lồ” công nghệ vào Việt Nam đã tạo ra tín hiệu tích cực cho tiềm năng bứt phá của các doanh nghiệp. Theo Vietnam Report, việc tăng cường hợp tác, liên kết và mở rộng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ góp mặt trong top 6 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp trong năm nay và chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn. 

Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy chiến lược phát triển của các doanh nghiệp công nghệ hiện nay tiếp tục dựa trên nền tảng “kiềng ba chân” vững chắc tương ứng với ba chiến lược hàng đầu: Tăng cường hoạt động R&D; Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Thúy Ngà