Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan, với 3 tiêu chí chính để xếp hạng: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8-9/2023.

 Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2023 - Nhóm ngành Giấy. Nguồn: Vietnam Report
 Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2023 - Nhóm ngành Nhựa. Nguồn: Vietnam Report

Thị trường bị tác động do sản xuất công nghiệp đình trệ

Ngành bao bì là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò trong việc bảo quản, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Market Research Future dự báo, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) cho thị trường toàn cầu của bao bì nhựa là khoảng 3,6%, bao bì giấy là 4,7% trong giai đoạn 2023-2030. Theo Mordor Intelligence, CAGR của thị trường bao bì nhựa và bao bì giấy Việt Nam có thể lên tới 8,39% và 9,73% trong giai đoạn 2023-2028.

Sản lượng bao bì và sản xuất công nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ. Trước tình hình sản xuất công nghiệp sụt giảm, sản lượng bao bì trong nước cũng có bước đi chậm lại trong những tháng đầu năm. Cụ thể, sản lượng sản xuất bao bì giấy quý I năm nay không tăng so với tháng 12 năm trước, sản lượng tiêu dùng giảm nhẹ. Sang quý II, sản lượng sản xuất và tiêu dùng bao bì giấy tăng nhẹ. Sự khởi sắc của ngành có thể đạt được khi sản xuất công nghiệp được phục hồi.

Nguồn: Bản tin Ngành giấy, Hiệp hội Bao bì Việt Nam

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành bao bì còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Đặc biệt, với việc các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn có hiệu lực vào năm 2024, thách thức cho ngành có thể ngày càng tăng.

Suy thoái kinh tế toàn cầu cũng có tác động rõ rệt tới hoạt động ngành. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Vietnam Report, có 25,7% doanh nghiệp bao bì có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng bao bì sụt giảm nghiêm trọng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bao bì (tính trên 2 nhóm HS.3923 và HS.4819) trong nửa đầu năm đạt 1,07 tỷ USD, tương đương 63,1% cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tương đương 77,4% và 36,6% so với cùng kỳ.

 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 8/2023

Triển vọng ngành bao bì Việt Nam

Ngành bao bì được dự báo khó có thể tăng trưởng bứt phá nhưng có thể phục hồi nhẹ khi IIP có chiều hướng đi lên kể từ giữa quý II. Nhằm thích ứng với tình hình kinh tế hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành có xu hướng ưu tiên những giải pháp như tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường, đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu. 

Ngoài ra, xu hướng bao bì bền vững ngày càng được quan tâm, do đó chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng được nhiều doanh nghiệp trong ngành chú trọng hơn. Bao bì bền vững là một mục tiêu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và tạo ra giá trị hơn nữa cho ngành, là hướng đi giúp các thương hiệu tăng cường sự nhận diện và ủng hộ từ phía khách hàng, đồng thời đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, ngành bao bì Việt Nam cũng có tiềm năng xuất khẩu tới các thị trường khó tính. Dựa trên mức sản lượng bao bì tiềm năng và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…, sản phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu đi các nước thành viên với thuế suất bằng hoặc gần bằng 0%, trong khi rất ít đối thủ cạnh tranh quốc tế được hưởng mức thuế này.

 Nguồn: IMF Trade Map

Đứng trước những thách thức và cơ hội kể trên, để phục hồi và phát triển, các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report đề xuất những giải pháp quan trọng mà Chính phủ có thể hỗ trợ, bao gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng cơ sở hạ tầng logistics; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế bao bì. 

Theo các doanh nghiệp bao bì Việt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên sự gián đoạn của chuỗi cung ứng hay biến động tiêu cực của thị trường quốc tế đều ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics đóng vai trò quan trọng và cần thiết, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển hiệu quả và kịp thời.

Bên cạnh đó, theo đại diện Vietnam Report, việc xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm bao bì giúp hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững. Các tiêu chuẩn này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo điều kiện cạnh tranh công bằng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu. 

(Nguồn: Vietnam Report)