Kể từ khi Putin sáp nhập Crimea, phương Tây đã chậm chân so với tổng thống Nga.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nicholas Burns, giáo sư Trường Harvard Kennedy và cựu đại sứ Mỹ tại NATO.

Khi các nhà lãnh đạo đồng minh gặp mặt trong hội nghị thượng đỉnh tại Wales cuối tuần này (tức ngày 4 - 5/9 - ND), họ sẽ đương đầu với ba thách thức sống còn với tương lai của NATO.

Với tất cả những sự kiện xảy ra chỉ trong vòng nửa năm qua, ba thách thức - hành động của Vladimir Putin liên quan đến Ukraine, chiến sự thảm khốc tại Trung Đông và một Afghanistan đầy hiểm họa - có thể khiến hội nghị lần này trở thành một trong những hội nghị quan trọng bậc nhất suốt lịch sử 65 năm của NATO.

{keywords}

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại Wales. Ảnh: Natocouncil.ca

Điều đó là tất yếu, bởi tại hội nghị, tổng thống Barack Obama, Thủ tướng David Cameron, Thủ tướng Angela Merkel và các đồng sự sẽ giải quyết nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong những thách thức nêu trên - làm thế nào ngăn chặn Nga tăng cường vai trò trong tình hình hiện tại của  Ukraine?

Tuần qua, Putin đã gia tăng mức độ nguy hiểm với động thái táo bạo nhất của ông tính đến nay trên bàn cờ Ukraina khi di chuyển lực lượng của Nga qua biên giới để bao vây quân đội Ukraina. Tổng thống Nga đã thành công trong việc thiết lập những ranh giới phân chia mới tại Ukraine, cũng như châu Âu.

Các nhà lãnh đạo đồng minh tại Wales phải phản công lại bằng cách áp dụng các biện pháp tối ưu có thể cản bước Putin - các đòn trừng phạt mạnh nhất tính đến nay, nhằm vào lĩnh vực tài chính trọng yếu của Nga.

NATO cũng có thể gia tăng ảnh hưởng bằng cách cung cấp vũ khí tinh vi và hỗ trợ thông tin tình báo để giúp Kiev giành lại quyền kiểm soát miền đông của đất nước. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh tế bền vững cho nền kinh tế yếu ớt và đang suy giảm của Ukraine cũng cần thiết.

Kể từ khi Putin sáp nhập Crimea, phương Tây đã chậm chân so với tổng thống Nga. Tình trạng này phải thay đổi ở Wales, nếu không muốn ông Putin đánh giá những lời hứa của NATO chỉ là hứa suông, đặc biệt là tại Đông Âu, nơi các đồng minh mới nhất của khối này là Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, rất yếu ớt trước sức ép của Nga.

Các nhà lãnh đạo NATO hiểu tất cả những điều đó. Họ hy vọng sẽ tuyên bố sự hiện diện mở rộng trên không và mặt đất ở vùng Baltic và đưa sẵn các thiết bị vận tải vào chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp. Họ sẽ tái khẳng định cam kết bảo vệ Điều 5 của NATO cho các đồng minh. Họ cũng muốn các thành viên đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trong vòng 10 năm. Tất cả điều này sẽ củng cố nòng cốt của NATO. Tuy nhiên, chỉ có những đòn trừng phạt cứng rắn hơn mới đem lại cho Petro Poroshenko, Tổng thống Ukraine, sự hỗ trợ cấp thiết nhất với ông lúc này.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Ria Novosti/Reuters

Làm thế nào để đối phó với một Trung Đông đang bùng nổ là thách thức thứ 2 với NATO tại Wales. Châu Âu nên tình nguyện yểm trợ trên không để giúp Mỹ ngăn chặn một Isis điên cuồng ở Iraq và Syria. Đức, Anh và Pháp có thể giúp Obama thuyết phục các chính quyền Ả-rập Sunni cô lập chính trị Isis và cắt nguồn tài trợ từ giới giàu có Ả-rập. Và ông Obama sẽ cần phải thuyết phục vị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nóng nảy Recep Tayyip Erdogan ngừng nhập dầu do Isis chiếm giữ.

Các nhà lãnh đạo NATO cần phải thảo luận biện pháp ổn định tình trạng tan rã của Syria và Libya. Họ cũng nên chấm dứt các khoản thanh toán tiền chuộc bẩn thỉu của nhiều nước châu Âu cho Isis và các tổ chức khủng bố khác. Theo tờ New York Times, châu Âu đã trả hơn $ 125 triệu tiền chuộc cho các nhóm khủng bố Trung Đông trong 5 năm qua để đổi lấy con tin - trở thành một nguồn "tài trợ" hiệu quả cho các hoạt động của chúng.

Nhiệm vụ quân sự của NATO ở Afghanistan là thách thức thứ ba. NATO dự kiến ​​rút toàn bộ lực lượng chiến đấu vào năm 2016. Nhưng liệu điều đó có khôn ngoan khi Taliban chắc chắn sẽ mở một cuộc tấn công lớn chống lại một chính phủ Afghanistan yếu ớt? Với những bài học rõ ràng từ một nước Iraq chia cắt, liệu có ý nghĩa không nếu NATO rút đi khi điều đó có thể đe dọa sự thống nhất Afghanistan mà NATO đã phải rất khó nhọc gây dựng kể từ sau sự kiện 11/9?

Trên nhiều mặt, hội nghị thượng đỉnh lần này là phép thử năng lực thế hệ lãnh đạo hiện tại của NATO. Xét cho cùng, đây là khối NATO của Adenauer, Churchill, Eisenhower và de Gaulle cũng như của Kohl, Thatcher và Reagan. Vận mệnh sắp tới của  NATO phụ thuộc chặt chẽ vào sự kiên định của bà Merkel và ông Obama.

Các nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện tốt nhất tại NATO khi họ lắng nghe các đồng minh, cũng như chứng minh sự can đảm và niềm tin cần thiết cho thành công của đồng minh vào những thời điểm mang tính thách thức. Và bây giờ là một thời điểm như vậy.

Thu Linh (theo Financial Times)