Theo Guardian, Tổng thống Pháp hy vọng các cuộc tham vấn sẽ phá vỡ bế tắc chính trị sau bầu cử. Hiện nay khi Quốc hội Pháp bị chia thành 3 khối gần như bằng nhau là cánh tả, trung dung và cực hữu, trong đó, không khối nào chiếm đa số ghế.
Sau 2 ngày đàm phán với các lãnh đạo đảng và quốc hội để phá vỡ bế tắc và cho phép ông chỉ định một thủ tướng với sự ủng hộ của nhiều đảng, quyết định không chọn ứng viên của liên minh Mặt trận Bình dân mới của Tổng thống Macron đã vấp phải sự giận dữ và đe dọa luận tội.
Trong một tuyên bố đưa ra vào tối qua (26/8), Điện Elysee mô tả các cuộc thảo luận vào cuối tuần trước và trong ngày là "công bằng, chân thành và hữu ích" nhưng không đưa đến một giải pháp khả thi.
Tổng thống Macron lý giải về quyết định của mình rằng một chính phủ được hình thành từ liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) - gồm các đảng Nước Pháp bất khuất (LFI), đảng Xã hội (PS), đảng Xanh (EELV) và đảng Cộng sản (PCF) sẽ dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngay lập tức và khiến chính phủ sụp đổ.
Người đứng đầu nước Pháp nói: "Một chính phủ như vậy sẽ ngay lập tức bị đa số nghị sĩ quốc hội phản đối, ngăn cản chính phủ hành động. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo chính trị được tham vấn, sự ổn định về mặt thể chế của đất nước chúng ta có nghĩa là không nên theo đuổi lựa chọn này".
Tổng thống Macron cho hay, vòng tham vấn mới với các lãnh đạo đảng và những chính trị gia kỳ cựu sẽ bắt đầu vào hôm nay (27/8). "Trách nhiệm của tôi là đảm bảo không để đất nước bị cản trở hay suy yếu", ông nói.
Sau thông báo trên, NFP cho biết sẽ không tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo ngoại trừ thảo luận về việc thành lập chính phủ. NFP đã đề cử Lucie Castets, một nhà kinh tế 37 tuổi và là giám đốc các vấn đề tài chính tại Tòa thị chính Paris, làm ứng cử viên Thủ tướng. Sau quyết định của Tổng thống Macron, Chủ tịch LFI đã cáo buộc người đứng đầu nhà nước tạo ra một tình huống cực kỳ nghiêm trọng.