Theo BBC, trong chuyến thị sát trụ sở cảnh sát tại thủ phủ Noumea của New Caledonia hôm nay (23/5), ông Macron cho biết, những ngày tới, tuần tới sẽ khó khăn nhưng Paris sẽ đi đến cùng để khôi phục sự bình yên.
6 người, trong đó có 2 cảnh sát, đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương khi bạo loạn, cướp phá và phóng hỏa xảy ra bắt nguồn từ việc cải tổ bầu cử gây tranh cãi.
New Caledonia, một nhóm đảo nằm giữa Australia và Fiji, là lãnh thổ của Pháp kể từ Thế kỷ 19. Căng thẳng từng xảy ra giữa chính quyền trung ương ở Paris và người Kanak bản địa, vốn chiếm khoảng 40% dân số quần đảo nhỏ bé này. Những người biểu tình Kanak lo ngại rằng luật mới trao quyền bầu cử cho cư dân Pháp sống ở New Caledonia hơn 10 năm sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng của người dân bản địa.
Bạo lực nổ ra vào ngày 13/5 là bất ổn nghiêm trọng nhất xảy ra ở New Caledonia kể từ những năm 1980. Tình trạng khẩn cấp đã được áp đặt và Tổng thống Macron tuyên bố lực lượng 3.000 quân được triển khai từ Pháp sẽ vẫn ở lại vùng lãnh thổ này chừng nào còn cần thiết.
Đến Nouméa sau chuyến bay kéo dài 24h, Tổng thống Macron cho biết ông muốn hòa bình, yên tĩnh và an ninh trở lại "càng nhanh càng tốt". "Đó là ưu tiên tuyệt đối". Nhà lãnh đạo này đã gặp gỡ các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp địa phương.
Theo Hiệp ước Noumea năm 1998, Pháp đồng ý trao cho vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương này quyền tự chủ chính trị nhiều hơn và giới hạn quyền bỏ phiếu cấp tỉnh đối với cư dân ở đây. Kể từ đó, hơn 40.000 công dân Pháp đã tới New Caledonia. Tuần trước, Quốc hội ở Paris đã đề xuất cấp quyền bầu cử cho cư dân Pháp đã sống ở lãnh thổ này được 10 năm. Những người phản đối lo ngại biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho các chính trị gia thân Pháp ở New Caledonia và tiếp tục đẩy người Kanak ra ngoài lề.