Sáng 16/5, tại Phủ Chủ tịch, sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng, chào đón Tổng thống Hy Lạp lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.
"Tổng thống là một người bạn luôn dành cảm tình sâu sắc đối với đất nước và con người Việt Nam. Chuyến thăm chính thức lần này đến Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp cùng với những kết quả tích cực trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào tháng 11/2021 thể hiện sự trao đổi thân thiết, gần gũi của hai nước và là bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân và hai nước", Chủ tịch nước đánh giá.
Chủ tịch nước cho biết, ông và Tổng thống đã có cuộc hội đàm thống nhất nhiều vấn đề quan trọng trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và rất thành công.
Việt Nam và Hy Lạp có gần 50 năm quan hệ và trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đạt nhiều thành quả tích cực, toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, giáo dục, thể thao và du lịch.
Hai bên đã trao đổi và nhất trí các biện pháp nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, trong đó có việc tăng cường tiếp xúc chính trị và trao đổi đoàn các cấp.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt gần 450 triệu USD, tăng 33% so với 2020 và tăng 2 lần so với 2016. Chủ tịch nước đánh giá tiềm năng về kinh tế, thị trường, nguồn hàng giữa hai nước còn lớn. Nền kinh tế của hai nước bổ sung cho nhau. Lãnh đạo hai nước khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đóng tàu, du lịch, nông nghiệp, hàng hải...
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN-EU, ASEM...
Với vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và EU nói chung và giữa Hy Lạp với các nước thành viên của ASEAN.
Chủ tịch nước cũng cho biết đã thảo luận với Tổng thống Hy Lạp, quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ người Việt Nam tại Hy Lạp để sinh sống tốt hơn.
Ông bày tỏ tin tưởng kết quả cuộc hội đàm sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam và Hy Lạp phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh của khu vực và thế giới.
Còn Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của bà sẽ tạo thêm động lực cho quan hệ song phương hai nước, sau một khoảng thời gian dài (gần 14 năm) kể từ chuyến thăm của một Tổng thống Hy Lạp tới Việt Nam vào tháng 12/2008.
Bà cho biết đã có cuộc hội đàm thực chất với Chủ tịch nước Việt Nam về tất cả các lĩnh vực và trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Tổng thống Hy Lạp bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 mang lại nhiều kết quả thành công rực rỡ.
Dẫn lại ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phong ba chính là cơ hội tốt để cây tùng, cây bách thể hiện sức mạnh và sự kiên cường”, Tổng thống Hy Lạp cho rằng, nhân dân Việt Nam và toàn bộ thế giới có thể trở nên mạnh mẽ hơn từ những hành trình thử thách này.
Mặc dù xa cách về địa lý nhưng Hy Lạp và Việt Nam cùng phải đối mặt với những thách thức quốc tế tương tự, với cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc giống nhau: giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như từ chối vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Tổng thống Hy Lạp nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc áp dụng nghiêm túc các quy định của UNCLOS 1982 (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) và cam kết bảo vệ an ninh hàng hải, tự do hàng hải.
Bà nhất trí với Chủ tịch nước khi cho rằng, hai nước có dư địa lớn để tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực như tham vấn chính trị, thương mại, văn hóa và du lịch. Tổng thống mong muốn hai nước tận dụng lợi thế để tăng khối lượng thương mại, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam có hiệu lực. Hy Lạp coi trọng tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, vận tải biển, đóng tàu và thực phẩm.
Về các vấn đề quốc tế, bà cho biết, Hy Lạp có sự quan tâm ngày càng lớn của đối với khu vực địa chiến lược Đông Nam Á, về vai trò quan trọng của Việt Nam ở một phạm vi khu vực rộng lớn hơn, với sự tham gia mang tính xây dựng vào các khối và tổ chức khu vực như ASEAN.
Trần Thường - Phạm Hải