Chó thả rông phóng uế bừa bãi, có thể cắn bất cứ ai, đặc biệt chạy qua đường gây tai nạn giao thông. Một người đi đường tông phải chó ngã gãy tay thắc mắc “ai là người chịu trách nhiệm?”.
LỜI TÒA SOẠN:
Tuần đầu tháng 4/2024, thông tin về việc lần đầu tiên Đồng Nai lập đội thí điểm bắt chó thả rông và TP Thủ Đức, TP.HCM triển khai trở lại hoạt động này nhận được sự chú ý của nhiều độc giả. Ngay sau lần đầu tiên "ra quân", TP Biên Hoà lên kế hoạch lập thêm 30 đội bắt chó thả rông. Điều này cho thấy, việc để chó mèo chạy ngoài đường thiếu sự giám sát của chủ nuôi, không có xích hay rọ mõm tại các khu dân cư, chung cư đang gây ra sự bức xúc, vì tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thậm chí an toàn tính mạng người dân.
Thực tế, đây là vấn đề tồn tại từ lâu, song chưa được xử lý triệt để vì nhiều lý do như ý thức chủ nuôi, chế tài xử lý chưa đủ mạnh...
VietNamNet mở diễn đàn “Làm thế nào để dẹp dứt điểm nạn chó thả rông?”. Rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.
Xin chân thành cảm ơn!
VietNamNet mở diễn đàn “Làm thế nào để dẹp dứt điểm nạn chó thả rông?”, đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả trước “vấn nạn” này.
Bạn đọc Nguyen viết: Chó thả rông sẽ gây họa cho mọi người. Thứ nhất, phóng uế bừa bãi. Thứ hai, có thể cắn bất cứ ai, đặc biệt là thứ ba chạy qua đường gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà chủ chó không dám đứng ra nhận trách nhiệm.
“Bản thân tôi, vào ngày 23/2/2024, trên đường đi làm về thì tông phải con chó, ngã xuống làm gãy 1 tay và 1 chân (phải) đến nay hơn 1 tháng rồi vẫn chưa đi lại được. Ai chịu trách nhiệm đây? Tôi đề nghị nên bắt hết chó dù cho chủ nhân có nộp phạt, vì mức phạt chưa đủ tính răn đe”, bạn Nguyên bức xúc.
Bạn Phancao cũng nêu quan điểm, chó hoang ỉa bậy mang nguồn sán chó, nguy hiểm sức khỏe cho trẻ nhỏ. Nhiều người vì chó mà hàng xóm chửi nhau, gia đình cãi cọ, ly tán. Tại nhiều nơi đã cấm chó vào bãi biển, công viên, nơi công cộng để giữ cho môi trường trong sạch.
Tương tự, bạn Dong Nguyen Hoang đề nghị, cấm dẫn chó ra dạo công viên rồi sẵn tiện cho chúng đái, phóng uế ở gốc cây, bãi cỏ.
Bạn Hoài Sương viết: “Ngay cả chó cảnh ở các chung cư, nhiều người chủ quan cứ thả rông cho chúng thoải mái, biết đâu nhiều trẻ nhỏ nhìn thấy sợ phát khiếp”.
Theo độc giả Lap Nguyen Viet, người chơi chó thì quý chó, nâng niu chó nhưng người không nuôi thì sợ ồn ào, mất vệ sinh, bệnh dại, lây bệnh sán chó, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ, người dị ứng với chó, mèo.
Do đó, theo độc giả này: “Chó, mèo thả rông phải phạt thật nặng. Chó, mèo mà cắn người thì chủ phải bị xử tù”.
Bạn Sơn Phan Việt nhìn nhận: “Hiện trạng hay xảy ra: Phân chó, mèo bỏ vào bao/thùng rác, tội mấy bác vệ sinh môi trường. Dội rửa chất thải nước chảy từ trong nhà ra đường quá dơ; dắt chó ra ngoài đường lén cho phóng uế - quá ô nhiễm; sủa suốt ngày đêm - gây ô nhiễm tiếng ồn. Cắn người - quá nguy hiểm. Yêu/nuôi thú cưng là nhu cầu chính đáng của bản thân, nhưng xin đừng làm ảnh hưởng người khác/cộng đồng”.
Theo nhiều độc giả, mùa hè đến rồi, bệnh dại lại phát triển. Xem các clip chó cắn trẻ con mà xót xa.
Phải xử lý triệt để
Tuần đầu tháng 4/2024, một số địa phương ở Đồng Nai, TP.HCM bắt đầu lập lại đội bắt cho thả rông, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trước diễn biến này, nhiều bạn đọc nêu ý kiến, phải xử lý triệt để "vấn nạn" chó thả rông, thì mới thực hiện được văn minh đô thị.
Bạn Linh cho rằng, người yêu chó có trách nhiệm thì càng thương người và thương vật cưng của mình, bằng cách tuân thủ các biện pháp tiêm phòng, rọ mõm chó hay các yêu cầu khác của chính quyền.
“Yêu chó không phải là chỉ nuôi cơm rồi để nó chạy rông, mặc kệ thiên hạ. Mong các bạn của phe yêu chó đều sáng suốt và hợp tác”, bạn Linh nêu.
Đồng thời, cho rằng mức phạt hiện nay quá thấp, bạn Quyết Tâm đề nghị cần tăng lên gấp vài lần. Chó thả rông mà cắn người khác thì còn gây tổn hại nhiều hơn.
Nhiều độc giả ủng hộ việc các phường 'ra quân' đội bắt chó thả rông và cho rằng, mô hình này cần được nhân rộng khắp các phường, xã, thậm chí, phổ biến khắp cả nước.
Các cơ quan chức năng nên ra quân đồng loạt toàn thành phố để giữ gìn văn hóa đô thị và giảm nguy cơ rủi ro cho người dân. Nhất là khi mùa hè đã đến, bệnh dại bắt đầu phát triển ở nhiều tỉnh, thành.
Bạn Hoàn Nguyễn Duy nhấn mạnh: “Xin đừng để một vài địa phương tự phát lập đội săn bắt! Nhà nước phải có chủ trương thống nhất để làm đồng loạt. Sau khi tuyên truyền, cứ thấy chó thả rông là bắt, không cần tạm giữ! Mặt khác phải xử phạt thật nghiêm, thật quyết liệt nếu biết được chủ nuôi cố tình thả rông!
Cần đầu tư ở mức cần thiết cả con người, phương tiện vật chất, thiết bị chuyên dụng... tạo điều kiện cho đội săn bắt chó thả rông hoạt động thường xuyên, lâu dài, không theo phong trào!”.
Những câu chuyện thực tế, ý kiến góp ý để dẹp nạn chó thả rông, phóng uế, cắn người bừa bãi xin gửi về địa chỉ: [email protected]
Tại TP.HCM, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm trong công viên, ngoài đường phố vẫn diễn ra gây bất an cho người dân giữa bối cảnh cả nước xuất hiện nhiều ổ bệnh dại.