av.jpg
Nguồn nhân lực có chất lượng vẫn là một thách thức cho ngành phát triển game ở Việt Nam

Nhiều cơ hội để phát triển

Ở Việt Nam, game vẫn được xem là một ngành công nghiệp non trẻ với tuổi đời phát triển trong khoảng 8 năm gần đây. Thời gian đầu các game được phát hành ở Việt Nam vẫn theo dạng “nhập khẩu” là chính và cái gọi là "ngành công nghiệp game Việt" mới chính thức xuất hiện trong năm 2012.

Số liệu từ ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG đưa ra cho thấy, ngành phát triển game ở Việt Nam gồm nhiều thành phần khác nhau. Game R&D có khoảng 1.200 người, VNG và VTC là 2 công ty xây dựng studio lớn nhất với mỗi studio gần 200 người. Riêng làm gia công game có hơn 2.500 người, trong đó Gameloft chiếm xấp xỉ 2.000 người, được xem là lớn nhất tại Đông Nam Á. Lĩnh vực game mobile cũng phát triển mạnh với nhiều công ty tham gia, không ít các game do chính người Việt phát triển doanh thu lên tới hàng chục tỉ đồng mỗi tháng. Một thể loại khác đang được phát triển trong nước là game trên mạng xã hội (SNS) với doanh thu rất cao, chẳng hạn như game Khu Vườn Trên Mây do chính VNG phát triển, mỗi tháng thu về trên 6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số game của Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường thế giới như SQuad của VTC hay Khu Vườn Trên Mây, Ủn ỉn của VNG…

Thực tế, ngành công nghiệp game Việt Nam hiện có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng, điển hình là số lượng người sử dụng Internet lên tới hơn 32 triệu người mà đa số là người trẻ. Số lượng người dùng điện thoại di động, máy tính bảng phát triển nhanh và trong tương lai số lượng ti vi được kết nối Internet (có thể chơi game) cũng tăng nhanh chóng lên tới hàng chục triệu. Một lợi thế nữa để game ở Việt Nam phát triển, đó chính là lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công rẻ; đồng thời những người làm game đều trẻ và đam mê công việc. Game cũng được phát triển dễ dàng trên nhiều platform khác nhau; ngoài ra việc làm game cũng thuận lợi hơn khi có nhiều chia sẻ từ các nước trong khu vực, điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Còn đầy thách thức

Thách thức đầu tiên đó là ở Việt Nam chưa có trường lớp nào đào tạo về nhân lực làm game, các doanh nghiệp khi tuyển người đều phải bỏ công ra đào tạo trong thời gian dài. Một số doanh nghiệp như VNG, VTC… còn thuê cả chuyên gia nước ngoài về dạy cho nhân viên của mình hoặc gửi nhân viên qua các công ty nước ngoài (lo toàn bộ chi phí, lương bổng…) để học hỏi kinh nghiệm.

Nhận xét về ngành phát triển game, theo ông Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc VNG, các doanh nghiệp trong nước phải chịu sự cạnh tranh rất lớn với những sản phẩm game của thế giới. Chưa kể, người Việt Nam có văn hóa "khó chấp nhận thất bại", nếu gặp thất bại một thời gian nhiều người lập tức nản chí và tìm kiếm hướng đi khác. Trong khi đó, ở nước ngoài, như trường hợp công ty làm ra game Angry Birds, họ đã chịu thất bại 67 dự án game trước đó nhưng vẫn kiên trì và đến dự án 68 mới có được thành công.

Bên cạnh đó, tự hào là sản phẩm giải trí của thế kỷ 21, tự hào là một ngành công nghiệp của Việt Nam nhưng theo ông Minh, việc nhìn nhận từ bên ngoài đối với ngành này đều chưa tốt đẹp, game liên tục bị lên án và kìm hãm sự phát triển ở trong nước. Một thách thức không nhỏ nữa là ngành game trên thế giới đang phát triển quá nhanh khiến chúng ta không đuổi kịp. Những thứ các doanh nghiệp Việt Nam đang học để làm thì trên thế giới đã phát triển đến mức độ cao hơn, chẳng hạn VNG mất 3 năm để làm được SNS game thì giờ thế giới đã chuyển sang cái khác.