![]() |
Người dùng có cơ hội được sử dụng nhiều game thuần Việt do VNG phát hành. |
Phóng viên báo BĐVN đã phỏng vấn ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG xung quanh chiến lược này.
Mới đây, giải thưởng Việt Nam ICT Awadrs trao cho VNG giải “Doanh nghiệp nội dung số xuất sắc nhất năm 2009”. Sau khi đoạt giải thưởng này, có áp lực nào đối với VNG trong việc dẫn đầu về phát triển nội dung số tại Việt Nam?
Nội dung số là mảng kinh doanh duy nhất mà VNG tập trung trong suốt 5 năm qua kể từ ngày thành lập, và là mảng kinh doanh mà VNG định hướng sẽ tập trung lâu dài trong tương lai. Xuất phát từ online game, hiện tại VNG đã có nhiều sản phẩm nội dung số khác nhau như âm nhạc, phim ảnh, tin tức giải trí, mạng xã hội và thương mại điện tử, phục vụ hơn 12 triệu người dùng Internet tại Việt Nam. VNG rất vinh dự nhận giải thưởng ICT Awards 2009 của Bộ TT&TT vì những cố gắng của mình được ghi nhận. Ngay cả khi không có giải thưởng, chúng tôi sẽ luôn đề ra áp lực cho chính mình trong suốt quá trình hoạt động vì trong ngành công nghệ/Internet, chỉ cần chậm sáng tạo và thay đổi là sẽ bị đào thải ngay.
![]() |
Ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc VNG. |
Ngoài giải thưởng trên, VNG còn đoạt giải “Doanh nghiệp có sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt thành công nhất” với sản phẩm cổng thông tin Zing. Chiến lược của VNG sẽ phát triển sản phẩm này ra sao trong thời gian tới?
Zing là một sự cố gắng rất lớn của các bộ phận làm sản phẩm Web của VNG. Chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi ra mắt chính thức (tháng 1/2008), Zing đã khẳng định được vị trí của mình khi vượt qua Yahoo (Việt Nam) về mặt lượt xem, và nhận được giải thưởng ICT Awards 2010. Trong thời gian tới, Zing sẽ tiếp tục tập trung vào 3 thế mạnh chính là Mạng xã hội Zing Me, Cổng âm nhạc Zing MP3 và Trang tin tức giải trí Zing News. Tuy đã có một lượng khách hàng lớn, Zing vẫn luôn phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và khó khăn hơn của khách hàng, và thay vì phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, chúng tôi sẽ tập trung làm tốt các sản phẩm hiện tại.
Năm 2009 được đánh giá là năm thành công của VNG bởi ngoài những phần thưởng mà Bộ TT&TT trao tặng, Tạp chí Forbes của Mỹ cũng đánh giá rằng VNG xứng đáng là “bản sao” của hai công ty Internet thành công nhất Trung Quốc là Shanda và Tencent. Ông nghĩ sao về điều đó?
Nếu xét về mô hình kinh doanh, đúng là VNG đã học hỏi rất nhiều từ các doanh nghiệp Internet hàng đầu của Trung Quốc là Shanda và Tencent (cũng là hai đối tác lớn của VNG). Tuy nhiên, học hỏi không phải đơn giản chỉ là “copy” (bản sao), mà phải thực sự hiểu được tại sao họ làm như vậy, và áp dụng những điều học hỏi được vào hoàn cảnh và môi trường thực tế của Việt Nam. VNG luôn tâm đắc với câu nói của Newton: “Thành công do đứng trên vai của những người khổng lồ” – và chúng tôi luôn mong muốn được học hỏi từ “những người khổng lồ” không những từ Trung Quốc, mà còn từ các quốc gia khác mà VNG có nhiều đối tác như Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ.
Có ý kiến cho rằng, để nhanh chóng dẫn đầu thị trường trong nước, VNG đã “mượn” những kinh nghiệm thành công và có lợi nhuận của các nhà phát hành game Trung Quốc như Shanda hay Kingsoft. Ông bình luận gì về điều này?
Đúng là VNG đã học hỏi rất nhiều từ Shanda và KingSoft – cũng như có được những thành công tài chính ban đầu từ việc phát hành online game. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là nền tảng để xây dựng một công ty Internet & công nghệ và trong suốt những năm qua, VNG liên tục tái đầu tư vào đội ngũ con người, vào cơ sở hạ tầng, và vào R&D.
Một số doanh nghiệp có khát vọng lớn cho rằng thị trường Việt Nam giống như “cái ao nhỏ” của lĩnh vực nội dung số, vì vậy cần phải tiến ra biển lớn. VNG có mang khát vọng đó không? Nếu có, ông sẽ thực hiện ra sao?
Thị trường Việt Nam thật ra không nhỏ cho lĩnh vực nội dung số - với dân số xếp hàng thứ 13 trên thế giới (và đa số là dân số trẻ) cũng như số người sử dụng Internet cũng xếp trong 20 nước đúng đầu trên thế giới. Tiềm năng phát triển nội dung số và Internet ở Việt Nam trong vòng 5-10 năm tới là rất lớn. VNG cũng quan niệm là do Internet mang tính chất không biên giới, bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng đã phải “toàn cầu hóa” ngay trên sân nhà của mình khi cạnh tranh với những đối thủ lớn quốc tế ngay trên sân nhà. Vì vậy, để tiến ra biển lớn thì điều đầu tiên phải bảo đảm năng lực cạnh tranh của mình đủ sức để chiến thắng trên sân nhà.
Ông đã từng nói muốn đưa cổ phiếu của VNG xuất hiện trên những sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq hay Hồng Kông trong một vài năm tới. Vậy VNG đã chuẩn bị gì cho kế hoạch này?
Mọi sự chuẩn bị đều là việc xây dựng một công ty Internet/công nghệ có thể phát triển lâu dài và cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Trong năm 2009, VNG đã hoàn thành xây dựng hệ thống quản lý tài chính Oracle theo chuẩn quốc tế, hoàn thành báo cáo kiểm toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế, xây dựng hệ thống nhân sự và quản trị theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất. Trong những năm tới, VNG sẽ tiếp tục tập trung tuyển dụng và đào tạo nhân tài, xây dựng văn hóa công ty, và đầu tư mạnh vào R&D (nghiên cứu và phát triển). Tất cả những điều này sẽ là nền tảng cho một công ty Internet/công nghệ có thể niêm yết được trên những sàn chứng khoán quốc tế.
VNG đã phát hành Thuận Thiên Kiếm, một game được xây dựng dựa trên lịch sử và văn hóa Việt Nam. Ông có tin rằng game thuần Việt có thể “đứng” được không? Ngoài Thuận Thiên Kiếm, VNG có ý định tiếp tục phát thêm game thuần Việt Nam?
Thuận Thiên Kiếm đã chính thức phát hành và đã đạt được mục tiêu ban đầu của VNG là đứng được dựa trên chất lượng sản phẩm. Chúng tôi tin tưởng vào tương lai của những game sản xuất ở Việt Nam - không những sẽ chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, mà còn có thể có cơ hội đi ra thị trường quốc tế. GSS (Studio game phát triển TTK) đã bắt đầu nghiên cứu cho dự án game Việt Nam thứ 2. Ngoài ra, các studio game khác của VNG cũng đã và đang cho ra đời những sản phẩm khác (mini games, social game, mobile game) trong năm 2010.
Xin cảm ơn ông!
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 50 ra ngày 26/4/2010.