Sức ép mở cửa thị trường để tạo cạnh tranh

{keywords}

Ông Mai Liêm Trực - Ảnh:Trọng Đạt

VietNamNet: Với quá trình lịch sử 77 năm, Tổng cục Bưu điện đã trải qua nhiều lần chuyển đổi cơ quan quản lý. Tại sao năm 1992, Tổng cục Bưu điện lại xin tách ra khỏi Bộ Giao thông Vận tải thưa ông?

Ông Mai Liêm Trực: Ngày 8/3/1955, Chính phủ đổi tên Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện nằm trong Bộ Giao thông Bưu điện. Đến tháng 2/1962, Chính phủ tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông Bưu điện và thành Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh và trực thuộc Chính phủ.

Từ năm 1990, Chính phủ có chủ trương tách dần quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh. Do đó, phần quản lý nhà nước được nhập vào Bộ Giao thông Vận tải, còn phần sản xuất kinh doanh, phát triển mạng lưới, cung cấp dịch vụ cho xã hội sẽ do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đảm nhiệm. Lúc đó, anh Đặng Văn Thân làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

{keywords}

Năm 1992, tôi cùng anh Đặng Văn Thân và anh Đỗ Trung Tá lên báo cáo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về chiến lược phát triển bưu chính viễn thông của Việt Nam, đồng thời xin tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông Bưu điện. Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu những yêu cầu rất cao cho chúng tôi trong thời kỳ đổi mới phải quyết tâm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển đất nước.

Lý do Tổng cục Bưu điện được Thủ tướng đồng ý tách ra vì lúc đó VNPT vẫn phát triển tốt, nhưng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ cho đổi mới và hội nhập quốc tế đòi hỏi rất cao. Vì vậy, cần phải tách ra để tập trung mạnh hơn và để Tổng cục Bưu điện chủ động triển khai dịch vụ bưu chính viễn thông, đào tạo cán bộ và hợp tác quốc tế phục vụ mục tiêu chiến lược của đất nước. Nếu để ở Bộ Giao thông Bưu điện thì nhiệm vụ này không được tập trung bởi Bộ này còn nhiều nhiệm vụ khác quan trọng của ngành Giao thông vận tải.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý cho tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông Bưu điện, cho sáp nhập thêm phần quản lý truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình và sau đó được Bộ Chính trị và Quốc hội đồng ý.

Năm 1992, Tổng cục Bưu điện được tách ra khỏi Bộ Giao thông Bưu điện và anh Đặng Văn Thân được bổ nhiệm lại làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện. VNPT trực thuộc Tổng cục Bưu điện và tiếp tục duy trì phần sản xuất kinh doanh. Tổng cục Bưu điện đảm nhận quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính viễn thông và truyền dẫn phát thanh truyền hình.

Hai năm ở Bộ Giao thông Bưu điện thì ngành Bưu điện cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng sau khi được tách ra, Tổng cục Bưu điện đã có điều kiện phát triển, chủ động hơn trong việc hợp tác quốc tế để có nguồn lực đầu tư, đưa ra chiến lược phát triển của ngành bỏ qua công nghệ analog để đi thẳng vào công nghệ số. Đây chính là bước đột phá để tạo đà cho viễn thông Việt Nam phát triển sau này và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển đúng như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

VietNamNet: Khi đảm nhiệm cương vị Tổng Cục trưởng, Tổng cục Bưu điện giờ có những thách thức và thuận lợi gì thưa ông?

Ông Mai Liêm Trực: Đầu năm 1997, tôi nhận nhiệm vụ Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện thay anh Đặng Văn Thân nghỉ hưu theo chế độ. Thời điểm đó, cũng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là truyền thống của ngành với những vị lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực. Khi đất nước đổi mới, dưới sự dẫn dắt của anh Đặng Văn Thân, ngành đã đi thẳng vào công nghệ số, hiện đại hóa mạng lưới với những giải pháp sáng tạo để đưa ngành Bưu điện bứt phá. Có thể nói ngành Bưu điện đã đi đầu trong công cuộc đổi mới. Năm 1995, với những đóng góp của mình, ngành Bưu điện đã được Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng – đây là danh hiệu cao quý nhất và là ngành kinh tế kỹ thuật đầu tiên được tặng danh hiệu này.

Bên cạnh đó, cán bộ nhân viên của ngành giữ truyền thống “Trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình” và nhiều người đã trưởng thành trong 10 năm đổi mới.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức rất lớn khi đất nước đã vượt qua thời kỳ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, bắt đầu hội nhập mạnh với quốc tế nên nhu cầu về thông tin liên lạc rất cấp bách, đòi hỏi sự tăng tốc phát triển mới có thể đáp ứng được nhu cầu. Lúc đó, Tổng cục Bưu điện xác định không vì khó khăn mà cản trở cơ hội phát triển của đất nước, đặc biệt là quá trình đàm phán ý kêý Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) và Hiệp định Thương mại tự do (WTO). Thực tế này đặt ra sức ép rất lớn cho vấn đề quản lý nhà nước lúc bấy giờ.

VietNamNet: Vậy để hội nhập quốc tế, Tổng cục Bưu điện đã chuẩn bị cho Internet vào Việt Nam thế nào thưa ông?

Ông Mai Liêm Trực: Để đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc cho hội nhập quốc tế của đất nước sau cấm vận, tất cả những dịch vụ gì hiện đại nhất phải đưa vào Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ Internet.

Chúng tôi biết đến Internet từ năm 1991 khi dự hội nghị quốc tế về thông tin vệ tinh tại Mỹ. Lúc đó, các chuyên gia quốc tế nói rằng, muốn đưa Internet vào Việt Nam phải có 3 điều kiện:

Thứ nhất, phải có mạng điện thoại cố định tự động trong nước và quốc tế. Việc này đến năm 1995 đã hoàn thành tự động hóa và số hóa đến tất cả các tỉnh thành cũng như kết nối thuận lợi với quốc tế.

Thứ hai, phải có doanh nghiệp nắm công nghệ Internet, xây dựng cơ sở vật chất, hiểu về Internet để cung cấp dịch vụ cho xã hội. Lúc đó, có nhiều nhóm kỹ sư đã tham gia thí điểm như hệ thống mạng của Bưu điện Khánh Hòa, mạng Trí Tuệ Việt Nam của FPT và mạng NetNam của Viện CNTT. 

Tổng cục Bưu điện đã chỉ đạo VDC (thuộc VNPT) phối hợp với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài để thí điểm đưa được tờ báo quê hương lên mạng. 

Yếu tố quan trọng nữa là phải báo cáo với lãnh đạo Đảng và Chính phủ để cho phép đưa Internet vào Việt Nam. Điều này khá công phu vì sau chiến tranh đất nước ta rất cảnh giác vì lo lộ bí mật nhà nước và thông tin độc hại. Thường trực Ban điều phối Quốc gia về Internet đã báo cáo trực tiếp Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phan Văn Khải. Được sợ chấp thuận của lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong 1 ngày Tổng cục Bưu điện đã cấp phép Tổng cục Bưu điện đã cấp phép cho 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là VNPT, NetNam, SPT và FPT để chuẩn bị mở cửa Internet.

Ngày 19/11/1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, thay mặt cho Ủy Ban điều phối quốc gia về Internet Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã tổ chức họp báo quốc tế công bố chính thức Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu và trình diễn kỹ thuật và thông báo các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách để quản lý dịch vụ Internet tại Việt Nam.

Bên cạnh việc đưa Internet vào Việt Nam thì các dự án lớn cũng phải chuẩn bị sớm, trong đó có dự án phóng vệ tinh riêng của Việt Nam. Tổng cục Bưu điện đã xây dựng và trình Thủ tướng dự án tiền khả thi về phóng vệ tinh Vinasat 1 để Việt Nam có vệ tinh riêng của mình. 

Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện là Chủ tịch Ủy ban Tần số Quốc gia đã trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tần số cho dân sự, quốc phòng và công an, đồng thời chuẩn bị băng tần để cấp phép cho các mạng di động mới.

VietNamNet: Đặc thù của bưu chính viễn thông có độc quyền tự nhiên, vậy tại sao Tổng cục Bưu điện lại mở cửa thị trường viễn thông mà lúc đó nhiều người cho rằng rất nhạy cảm và khó khăn?

Ông Mai Liêm Trực: Sau gần 10 năm đổi mới, Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bưu chính viễn thông do những đặc thù của độc quyền tự nhiên trước đây cho nên chuyển sang kinh tế thị trường rất khó khăn.

Tổng cục Bưu điện và VNPT đã nỗ lực rất nhiều để đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tăng tốc phát triển, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định khi chưa thu hút được nguồn lực của xã hội để phát triển. Mặt khác, độc quyền doanh nghiệp có những hạn chế cho sự phát triển. Vì thế, Tổng cục Bưu điện kiện quyết mở cửa thị trường viễn thông, thúc đẩy cạnh tranh. Tuy nhiên, để kinh doanh dịch vụ viễn thông đòi hỏi đầu tư lớn và chuyên môn cao. Vì vậy, Tổng cục Bưu điện đã tìm lời giải làm sao có thể mở cửa thị trường, cấp phép dịch vụ nào trước. 

Qua nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng cục Bưu điện biết được thế giới bắt đầu sử dụng công nghệ điện thoại đường dài và quốc tế giá rẻ, đầu tư ít đó là VoIP nên đã giới thiệu cho các doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ, giảm giá cước cho khách hàng khi mà mức cước còn quá cao.

 Viettel đã trình Tổng cục Bưu điện phương án hoàn chỉnh nhất, với giải pháp rõ ràng để triển khai VoIP. Vì vậy, Tổng cục quyết định cấp phép cho phép Viettel làm thí điểm dịch vụ này ngày 3/2/2000. Ngày 15/10/2000, Viettel đã chính thức khai trương dịch vụ điện thoại qua Internet VoIP. Đây là đột phá để thực sự mở cửa thị trường viễn thông.

Tiếp theo thành công của VoIP, Tổng cục Bưu điện cấp phép băng tần cho Viettel để triển khai dịch vụ di động công nghệ GSM.

Sự thành công của FPT trong lĩnh vực Internet và Viettel trong lĩnh vực viễn thông đã đóng góp rất lớn vào thành công trong việc mở cửa thị trường của Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ. Với việc mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh, các doanh nghiệp ngày càng phát triển, giá cước giảm nhanh, chất lượng dịch vụ tốt hơn và thúc đẩy phổ cập dịch vụ cho người dân.

Tạo hành lang phap lý thúc đẩy thị trường phát triển

VietNamNet: Lúc đó, chúng ta mở cửa thị trường trong nước thành công, nhưng Chính phủ chỉ đạo từng bước mở cửa thị trường cho nước ngoài để có thể đàm phán BTA và WTO. Vậy Tổng cục Bưu điện đã xử lý vấn đề này thế nào thưa ông?

Ông Mai Liêm Trực: Mở cửa thị trường viễn thông, chuyển từ thị trường độc quyền sang cạnh tranh là bước chuẩn bị lực lượng nội tại của Việt Nam, chuẩn bị cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

{keywords}

Từ năm 1997, Việt Nam và Mỹ đã bắt đầu đàm phán BTA. Phía Mỹ yêu cầu rất cao rằng Việt Nam phải mở cửa hai lĩnh vực nhạy cảm nhất là viễn thông và ngân hàng. Phía Việt Nam cương quyết giữ hai lĩnh vực này đến mức Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ ông Nguyễn Đình Lương sau này nói trên báo chí rằng “Đây là hai lĩnh vực của Chúa”. Vì vậy, quá trình đàm phán rất khó khăn. Tổng cục Bưu điện đã cử người trực tiếp vào đoàn đàm phán và xây dựng lộ trình kỹ càng, có những bước chuẩn bị nhất định để khi phải cam kết mở cửa thị trường thì các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn đứng vững.

Thực sự việc xây dựng lộ trình trong BTA rất nhạy cảm, không những với các lãnh đạo cấp cao mà ngay cả trong nội bộ của Tổng cục Bưu điện cũng rất nhạy cảm. Trước đó, Tổng cục Bưu điện chỉ hợp tác theo hình thức BCC tức là nước ngoài bỏ vốn đầu tư, phân chia doanh thu, lợi nhuận. Nhưng với BTA và WTO có điều khoản doanh nghiệp nước ngoài phải có sở hữu và trực tiếp tham gia quản lý mạng viễn thông của Việt Nam. Tổng cục Bưu điện lúc đó xác định không thể vì những vấn đề nhạy cảm của mình mà cản trở việc ký kết BTA và sau này là cơ sở để ký kết WTO. Đây là một quá trình đàm phán khó khăn và chúng ta đã điều chỉnh lộ trình hợp lý để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam. Đến phiên đàm phán cuối cùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm yêu cầu Tổng cục Trưởng Tổng cục Bưu điện và Thống đốc Ngân hàng trực tiếp báo cáo và sau đó là báo cáo với Thường vụ Bộ Chính trị. Lúc đó, tôi đã báo cáo rõ lộ trình mở cửa và cách thức Việt Nam có thể quản lý để đảm bảo lợi ích của Việt Nam và đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia. Thường vụ Bộ Chính trị chấp thuận và BTA đã được ký kết. Đây là quá trình đàm phán khó khăn nếu không mạnh dạn, không dám chịu trách nhiệm và chỉ lo giữ an toàn riêng cho ngành mình thì không thể ký kết được các hiệp định thương mại và có nghĩa là chúng tôi có lỗi và thậm chí có tội với đất nước vì cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tổng cục Bưu điện cũng tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương và hoạt động rất tích cực trong các tổ chức này. Với uy tín và hoạt động của mình, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Điều hành của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vào các năm 1994, 1998 và 2002. Và lần đầu tiên ở Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) năm 1999, Tổng cục Bưu điện thay mặt Việt Nam ứng cử và được bầu vào Hội đồng điều hành của tổ chức này. 

Nhờ có chính sách mở cửa thị trường trong nước trước với lộ trình cấp phép dịch vụ Internet, VoIP và sau đó là thông tin di động, nên các doanh nghiệp Việt Nam đã cọ xát trong quá trình cạnh tranh, cùng lớn mạnh. Sau này, mở cửa thị trường quốc tế, một số doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường viễn thông, nhưng cho đến thời điểm này các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nắm giữ được thị trường rất tốt.  

VietNamNet: Trong môi trường mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh trong nước và hội nhập quốc tế, Tổng cục Bưu điện đã xây dựng khung pháp lý, các chính sách cũng như bộ máy tổ chức và cán bộ như thế nào để đảm bảo cho thị trường phát triển mạnh và an toàn?

Ông Mai Liêm Trực: Tổng cục Bưu điện đã phải đổi mới rất mạnh về tư duy quản lý nhà nước. Đội ngũ cán bộ công chức của Tổng cục Bưu điện đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm các nước, phân tích rõ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như vấn đề kỹ thuật nghiệp vụ phức tạp khi quản lý cạnh tranh.

Tổng cục Bưu điện đã xây dựng chiến lược phát triển ngành và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chính sách để phát triển và quản lý thị trường cạnh tranh về bưu chính - viễn thông và thông tin di động. Chiến lược “Phát triển Bưu chính viễn thông 2001 – 2010 và định hướng đến 2020” là chiến lược dài hạn đầu tiên được Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để từ đó xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chính sách cho phát triển ngành.

Tổng cục Bưu điện cũng đã tham gia xây dựng Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về ớng dụng và phát triển CNTT trong đó có hai nội dung rất quan trọng là thay đổi tư duy quản lý Internet từ “Quản đến đâu mở đến đó” thay thế bằng “Quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển” (Mở đến đâu quản đến đó). Theo tinh thần đó, Tổng cục Bưu điện đã xây dựng Nghị định 55 về quản lý và sử dụng Internet ở Việt Nam để thúc đẩy Internet phát triển.

Thứ hai là mở cửa thị trường, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, tạo cạnh tranh để phát huy các nguồn lực của xã hội, cùa các thành phần kinh tế để để tăng tốc phát triển viễn thông và Internet.

Lần đầu tiên, Tổng cục Bưu điện đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý ngành là Pháp lệnh Bưu chính viễn thông và Tần số vô tuyến điện, tạo điều kiện để Tổng cục Bưu điện có hành lang quản lý và triển khai nhiều chính sách tác động mạnh mẽ đến thị trường về bưu chính, viễn thông, Internet và tần số vô tuyến điện. Sau đó, hàng loạt các chính sách của Tổng cục Bưu điện được ban hành như chính sách về viễn thông công ích, chính sách giá cước và chính sách cấp phép qua thi tuyển. Vì vậy, các tài nguyên về tần số, kho số, tên miền đã được cấp phép thuận lợi cho các doanh nghiệp và cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường, hạ giá thành dịch vụ và giảm giá cước để tăng nhanh số người dụng dịch vụ.

Tổng cục Bưu điện cũng đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ và tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, chỉ thành lập mới các đơn vị tác nghiệp như: Trung tâm Internet Việt Nam, Nhà Xuất bản Bưu điện và Trung tâm Quản lý chất lượng; ở địa phương là các cục bưu điện khu vực. Nhiều cán bộ trưởng thành từ chuyên viên hay cấp vụ đã được bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục Bưu điện cũng như của Bộ BCVT và Bộ TT&TT sau này.

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành Bưu chính viễn thông, người dân được hưởng lợi nhiều, đất nước hội nhập mạnh mẽ và uy tín quốc tế được nâng cao. Uy tín của ngành, của Tổng cục Bưu điện được nâng lên với người dân, với xã hội và với lãnh đạo của đất nước. Đó là cơ sở để Tổng cục Bưu điện được nâng lên thành Bộ Bưu chính Viễn thông.

VietNamNet: Cảm ơn ông!

Thái Khang (Thực hiện)

Lịch sử Bưu điện Việt Nam: Hành trình từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc

Lịch sử Bưu điện Việt Nam: Hành trình từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc

Năm 1802, Bưu chính Việt Nam lần đầu tiên được thành lập nằm trong Bộ Lại của triều đình nhà Nguyễn.

Dấu mốc ngành Bưu điện từ thời kháng chiến đến thời tách quản lý nhà nước và kinh doanh

Dấu mốc ngành Bưu điện từ thời kháng chiến đến thời tách quản lý nhà nước và kinh doanh

Từ năm 1945, ngành Bưu điện đã đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cho 2 cuộc kháng chiến, sau đó số hóa mạng lưới thành công để đi thẳng vào công nghệ hiện đại.