TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) xây dựng và đưa vào vận hành khu nhà văn hóa, trong đó có gian tưởng niệm 43 người dân đã bị quân Trung Quốc sát hại tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo.
LỜI TÒA SOẠN
Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc để không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.
45 năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thời gian đủ dài giúp cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực nhằm tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại và rút ra nhiều bài học quý giá.
VietNamNet khởi đăng loạt bài 45 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm cung cấp thêm thông tin, tư liệu tới quý độc giả, để mọi người cùng ghi nhớ, không thể lãng quên.
Một chiều tháng hai, ông Đàm Thế Chinh, Bí thư chi bộ kiêm trưởng xóm Tổng Chúp (xã Hưng Đạo) mở cánh cổng nhà văn hóa và khu tưởng niệm 43 nạn nhân bị quân Trung Quốc sát hại để đón những vị khách từ Hà Nội đến thắp hương. Gian nhà văn hóa được xây dựng khang trang với nền nhà lát gạch, một khu sinh hoạt cộng đồng, ba gian thờ và một lư hương đặt trước khóm tre có tấm biển gỗ có tuổi đời đã 45 năm in đậm dòng chữ: "Vụ thảm sát tại Tổng Chúp...".
Cách đây 45 năm, vào ngày 9/3/1979, trên đường rút quân, một toán lính Trung Quốc đã dồn một nhóm công nhân làm việc tại nông trường thuộc cơ quan Nhà nước đến khu vực Tổng Chúp rồi dùng cọc tre xuống tay sát hại 43 người vô tội. Đáng chú ý, trong số những nạn nhân xấu số, đa phần là phụ nữ và trẻ em, có nhiều nạn nhân đang mang thai trước khi bị tàn sát.
Từ thời điểm tháng 3/1979 đến cuối năm 2023 (khoảng 44 năm), nơi 43 người bị sát hại là một khu vực rậm rạp cây cối, cỏ mọc um tùm. Những gì còn sót lại sau gần nửa thế kỷ chỉ vỏn vẹn là một giếng nước hoang lạnh và khóm tre già cùng tấm biển ghi lại sự kiện như một cách để nhắc nhở về nỗi đau mà quân xâm lược đã gây ra cho đồng bào tỉnh biên giới Cao Bằng.
Cuối năm 2023, TP Cao Bằng nâng cấp, xây dựng nơi xảy ra vụ thảm sát Tổng Chúp trước đây thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khu tưởng niệm những nạn nhân xấu số bằng nguồn lực xã hội hóa.
Nhận tin về việc khởi động xây dựng dự án trên, ông Đàm Thế Chinh cho biết bản thân ông và người dân bản địa rất xúc động và phối hợp chặt chẽ trong việc huy động người dân tham gia hỗ trợ. Cho đến nay, khi dự án đã hoàn thành, ông Chinh cho biết bản thân rất vinh dự khi được chính quyền giao thêm nhiệm vụ trông nom và tổ chức vận hành nhà văn hóa và khu tưởng niệm.
"Không gian này giờ đây không còn lạnh lẽo nữa, lư hương dưới gốc tre những ngày này luôn được sưởi ấm bởi những nén tâm nhang của người dân từ nhiều nơi tìm đến. Gian thờ 43 nạn nhân vô tội được đặt cạnh gian thờ những anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì bình yên của Tổ quốc như nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình và chúng ta phải luôn trân trọng, biết ơn những người đã hi sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất biên cương", ông Chinh nghẹn ngào.
Cùng với việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nêu trên, thành phố Cao Bằng còn tổ chức hội nghị nhằm tìm lại danh sách 43 nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp năm 1979. Tính đến nay, với các tài liệu còn lưu giữ và kết quả tại hội nghị xác định danh tính nạn nhân vô tội bị sát hại tại Tổng Chúp, thành phố Cao Bằng đã thống kê được 37/43 nạn nhân.
Dưới đây là hình ảnh nhà văn hóa và khu tưởng niệm tại Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng):
Cả đoàn người nấu nướng, sinh hoạt trong hầm để trốn. Nhưng với số lượng quá đông, việc bị phát hiện là điều khó tránh khỏi. Cuối cùng, buổi tối định mệnh ấy cũng đến…