- Để kiểm nghiệm khả năng dạy học sinh lập trình cho robot trong giáo dục STEM, GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) đã nhận lời trải nghiệm bài học “xóa mù” lập trình robot do Liên minh STEM tổ chức.

Lớp học đặc biệt này diễn ra ngay tại trụ sở Ban quản lý Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) ngày 1/6.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết trải nghiệm lập trình và vận hành robot

Ngoài GS Thuyết và một số thành viên khác của Dự án còn có anh Nguyễn Quang Thạch, đại diện của chương trình Sách hóa nông thôn và cũng chính là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016.

Theo GS Thuyết, một trong những điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới là học thông qua thực làm để hình thành, phát triển năng lực thực tiễn.

Đặc biệt, chương trình coi giáo dục STEM là một nội dung thiết yếu của môn Công nghệ.

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết được hướng dẫn về việc lập trình cho robot hoạt động

GS Thuyết muốn trải nghiệm thực tế học lập trình cho robot để đánh giá khả năng hiện thực hóa giáo dục STEM và hứng thú mà nội dung giáo dục này đem lại cho người học.

Tôi muốn kiểm nghiệm xem một người làm khoa học xã hội đã ngót nghét 70 tuổi như tôi có lập trình được cho robot theo hướng dẫn của người dạy trong một thời gian ngắn không, qua đó xem bài học và cách dạy này có thích hợp đối với những người chưa biết gì về thuật toán, lập trình không” - GS Thuyết chia sẻ.

GS Thuyết đã được học trong vòng 45 phút một số nội dung bài học mà theo Liên minh STEM dùng để dạy cho giáo viên và học sinh các trường làng xoá mù lập trình cho robot. Nội dung của buổi học về lập trình điều khiển robot bằng phần mềm kiểu kéo thả.

{keywords}
Đại diện của Liên minh STEM hướng dẫn và cho GS Thuyết trải nghiệm việc lập trình robot. GS Thuyết cho rằng việc này liên quan đến giáo dục STEM- một nội dung thiết yếu của môn Công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kết quả, sau bài học rút gọn, “tổng công trình sư” của chương trình giáo dục phổ thông mới đã nhiều lần điều khiển được robot bật đèn các màu, pha màu và chạy theo theo lập trình của mình.

GS Thuyết nhìn nhận: “Tôi học rất hứng thú, thậm chí có lúc tiếc rằng mình không còn trẻ nữa để đi theo nghề này. Nghe hai chữ lập trình thì thấy phức tạp, nhưng vì các nhà chuyên môn đã thiết kế sẵn nên thực hành rất đơn giản, chỉ khó hơn điều khiển tivi một chút thôi. Chắc chắn các bạn trẻ, kể cả học sinh tiểu học, hoàn toàn có thể thực hiện lập trình nhanh hơn tôi khi được hướng dẫn”.

{keywords}
Vận hành robot sau khi được lập trình

GS Thuyết cho biết ông cũng như các thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông rất quan tâm đến giáo dục STEM và nâng cao văn hoá đọc trong trường học. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều giải pháp phát triển những nội dung giáo dục này và sẽ dành nhiều thời lượng để các cơ sở giáo dục và giáo viên chủ động triển khai.

Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Thanh Hùng