Chiều 24/1, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, sau gần 2 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả, Trung ương đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và thống nhất cao về những nội dung trong chương trình hội nghị. 

Một trong những nội dung quan trọng là Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 

Hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới

Theo Tổng Bí thư, Bộ chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. 

Vì vậy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, nhất là những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được Ban chỉ đạo Trung ương về Tổng kết Nghị quyết 18 rút ra, để đẩy mạnh cuộc cách mạng này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và đòi hỏi của nhân dân trong kỷ nguyên mới. 

tongbithu bemac.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: TTXVN

Trung ương lưu ý, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Đồng thời, nghiên cứu thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn đơn vị, cơ quan, địa phương, mở rộng không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng cường nguồn lực của đất nước và địa phương, kiên quyết xóa bỏ cấp trung gian. 

Trung ương cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp; xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo, phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. 

Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực, tạo ra động lực mới cho phát triển; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, ngang tầm với những chuyển đổi mang tính cách mạng, có số lượng phù hợp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước. 

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra

Tổng Bí thư cũng cho hay, Trung ương thống nhất việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. 

Cùng với đó là khẩn trương ban hành cơ chế, quy định phù hợp để lựa chọn, bố trí đúng cán bộ tốt, thực sự có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Cạnh đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động điều hành để cải cách tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, tiên phong là những cơ quan Đảng. 

bemac.jpg
Hội nghị Trung ương bế mạc vào chiều 23/1. Ảnh: TTXVN

Trung ương yêu cầu rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy trình công tác, nguyên tắc làm việc bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được “nâng cấp”, “nâng tầm” và “vì nhân dân phục vụ”. 

Đồng thời đẩy mạnh cải cách và xây dựng nền hành chính công tiên tiến; đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; cắt giảm thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện mở đường cho kinh tế số và tiến tới “Xã hội số”.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan khẩn trương thể chế hóa để triển khai việc sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, Chính phủ cùng với việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hoàn thành trong quý 1/2025. 

“Khẩn trương triển khai Đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương theo mô hình công an 3 cấp, Bộ, Tỉnh, xã, không tổ chức Công an cấp huyện”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại các cơ quan thanh tra, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định. 

Tổng Bí thư lưu ý quá trình triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy mới cần bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động, ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đồng thời, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước. 

Tổng Bí thư cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế tạo việc làm cho người lao động tại khu vực nhà nước chuyển sang làm việc tại các khu vực ngoài nhà nước nhằm đảm bảo quyền lao động cho mọi công dân trong độ tuổi lao động. 

Cùng với đó là có kế hoạch tạo việc làm cho những thanh niên sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương; phấn đấu để mọi công dân trong độ tuổi lao động đều tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.