Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tổng Bí thư được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến.
Trong những ngày diễn ra lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng triệu trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế hướng về Hà Nội, TPHCM và quê hương Đông Hội, nơi tổ chức Quốc tang; hàng trăm nghìn người dân ở mọi miền Tổ quốc không quản đường sá xa xôi, không quản nắng mưa thành kính trên suốt tuyến đường tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đã có hàng trăm lãnh đạo các nước/vùng lãnh thổ gửi thư, điện, thông điệp chia buồn; hàng trăm đoàn quốc tế dự lễ viếng, lễ truy điệu và an táng; hàng nghìn đoàn với hàng trăm nghìn người dân đến viếng Tổng Bí thư; hàng nghìn đoàn viếng tại các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài.
Theo ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, dấu ấn đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương hết sức mẫu mực, điển hình suốt đời, cho tới hơi thở cuối cùng đã hiến dâng cho đất nước, vì Đảng, vì dân.
Trong lời điếu tại lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm (Chủ tịch nước khi đó) nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta.
Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú.
Chúng ta thành kính, tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao, cống hiến vô cùng to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Ghi nhận những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất; nhưng hơn hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân.
Chủ tịch nước Lương Cường (Thường trực Ban Bí thư khi đó) xúc động khi ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Nhà lãnh đạo có uy tín, đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, trọn đời vì nước, vì dân”.
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi là “kim chỉ nam”, tấm gương cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập, noi theo, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi sổ tang: Trước anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới.
"Chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no", Thủ tướng Phạm Minh Chính viết.
Trong niềm xúc động, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: Vô cùng tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân.