Sáng 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng những thành tích, kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần lưu tâm, sớm có giải pháp khắc phục. Cụ thể là một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao.

tongbithu.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại. Ảnh: TTXVN

Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển…

Công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới

Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, theo Tổng Bí thư, thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Trong các yêu cầu được Tổng Bí thư nhấn mạnh, đầu tiên là vấn đề đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.

Trong đó có đổi mới tư duy xây dựng pháp luật với tinh thần là dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ.

Mục tiêu vươn tới của các điều luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; duy trì và đảm bảo trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội; thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch và dễ tiếp cận; mang tính hệ thống và chặt chẽ; góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển...

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra 2 yêu cầu đối với chương trình xây dựng luật, pháp luật.

Thứ nhất là phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa để xây dựng, đề xuất chương trình.

Trong đó phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.

Thứ hai, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.

Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư lưu ý tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Screen Shot 2024 11 07 at 13.43.59.png
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với "3 bảo đảm":

Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật.

Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất.

Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng yêu cầu phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật với 4 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật…

Cán bộ tư pháp phải “công bằng, liêm khiết”

Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp theo tinh thần “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Cùng với đó là cơ chế bảo vệ đối với cán bộ làm công tác pháp luật khi không vi phạm điều cấm, không vụ lợi, lạm dụng quyền lực.

“Thường xuyên sàng lọc, thay thế, chuyển đổi vị trí công việc đối với những cán bộ tham mưu xây dựng pháp luật có biểu hiện động cơ không trong sáng, có dấu hiệu gây khó khăn, cản trở”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư yêu cầu tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới.

Cùng với hiện đại hóa môi trường và điều kiện làm việc, Tổng Bí thư yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

“Mong các đồng chí luôn nhớ và thực hành lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, “phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng tốt hơn”, cán bộ tư pháp phải “công bằng, liêm khiết”, phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư””, Tổng Bí thư nhắn nhủ.

Tổng Bí thư nhất trí xem xét đưa vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Tổng Bí thư cũng nhất trí quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn.

“Với yêu cầu đột phá mạnh mẽ về thể chế trong kỷ nguyên mới, Bộ, ngành Tư pháp đứng trước những thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội lớn để khẳng định mình, vươn lên mạnh mẽ hơn để xứng đáng với truyền thống đầy tự hào và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư quán triệt, ngành Tư pháp phải thực sự trở thành “lực lượng nòng cốt”, “đi đầu trong tham mưu kiến tạo đồng bộ thể chế phát triển đất nước”, gương mẫu, đi đầu trong việc thúc đẩy lối sống thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Tổng Bí thư bày tỏ tin tưởng với tư duy, nhận thức mới, khí thế, quyết tâm cao, ngành Tư pháp nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và sự vươn mình của dân tộc Việt Nam, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.