“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gây ấn tượng rất tích cực với giới lãnh đạo chính trị của nước Mỹ” - ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard nhận định.

LTS: Sau chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với GS Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard – người sáng lập Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM về cảm nhận của ông đối với chuyến thăm và quan hệ hai nước.

{keywords}

GS. Thomas Vallely nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án trường ĐH Fulbright cho VN

Bước ngoặt trong quan hệ Việt – Mỹ

Thưa ông, giới học giả Mỹ nói chung và cá nhân ông nói riêng nhìn nhận thế nào về chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua?

Theo dõi qua các buổi gặp gỡ và tiếp xúc của TBT Nguyễn Phú Trọng với giới lãnh đạo cấp cao nước Mỹ, cá nhân tôi cho rằng rõ ràng chuyến thăm của TBT là một thành công. Ông Trọng đã tạo ấn tượng rất tích cực với giới lãnh đạo chính trị của nước Mỹ.

Trong tương lai, tôi nghĩ chúng ta sẽ nhìn lại chuyến thăm này như một bước ngoặt trong quá trình phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Tôi tin tưởng rằng hai nước chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở quan hệ “đối tác”, mà còn có những bước tiến xa hơn nữa để trở thành bạn của nhau.  

Trong tuyên bố chung về tầm nhìn Việt Nam – Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã ghi nhận nỗ lực thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước thông qua sáng kiến thành lập trường Đại học Fulbright tại Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về những nỗ lực này?

Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) tiêu biểu cho đỉnh cao của gần ba thập kỷ trao đổi học thuật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tính đến nay, sự hợp tác của chúng ta trong lĩnh vực này tập trung vào hai hình thức trao đổi: trao đổi cá nhân và hỗ trợ cho các tổ chức giáo dục hiện có.

Nhóm thứ nhất bao gồm các sáng kiến học bổng như Chương trình trao đổi Fulbright và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Nhờ các chương trình và học bổng này của chính phủ Việt Nam, các trường đại học, các quỹ giáo dục và khu vực tư nhân của Hoa Kỳ, hàng ngàn người Việt Nam đã được theo học sau đại học tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ.

Như các bạn biết đấy, những người Việt Nam được đào tạo ở Hoa Kỳ hiện nay đang nắm giữ nhiều vị trí cấp cao trong cả khu vực nhà nước và tư nhân ở Việt Nam.

Một nỗ lực nữa cũng đã được duy trì liên tục nhằm nâng cao chất lượng các trường đại học hiện nay của Việt Nam là thông qua hỗ trợ phát triển giảng viên, hiện đại hóa chương trình giảng dạy và quản lý hành chính. Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (Higher Engineering Education Alliance Program - HEEAP) với sự tham gia của Intel, Đại học bang Arizona, và USAID đã rất thành công và là điển hình cho mô hình hợp tác này.

Hai loại hình hợp tác giáo dục trên có tầm quan trọng rất lớn và nên tiếp tục duy trì.

{keywords}

GS. Thomas Vallely. Ảnh: Phạm Hải

Việt Nam cần một mô hình đại học mới

Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trường Đại học Fulbright VN (FUV) tại NewYork, Tổng Bí thư mong muốn xây dựng một trường ĐH toàn diện, có hệ thống quản trị hiện đại và trang bị những kiến thức mới phù hợp với nhu cầu Việt Nam. Liệu có thể kỳ vọng những mô hình như FUV sẽ lấp được những khoảng trống trong giáo dục Việt Nam?

Ngoài hai hình thức hợp tác như trên tôi đã nói, có một hình thức hợp tác thứ ba có thể được coi là sự “đổi mới thể chế”.

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ về cách tiếp cận đó, cũng giống như Đại học Fulbright Việt Nam.

Điểm khác biệt của FUV đó là, tạo ra một trường đại học Việt Nam kiểu mới, của tư nhân và phi lợi nhuận, cung cấp một môi trường học tập và làm việc hấp dẫn đối với các thế hệ mới các nhà khoa học và học giả được đào tạo sau đại học ở nước ngoài của Việt Nam.

Tất nhiên, FUV sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư dành cho trao đổi học thuật cá nhân, bởi vì chúng tôi dự định sẽ tuyển dụng các cá nhân từng tham gia các chương trình như chương trình trao đổi Fulbright, VEF, và nhiều chương trình khác.

Với thông điệp được nhiều người nhấn mạnh trong dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa này, là “Hướng về tương lai”, ông có hi vọng giáo dục vẫn tiếp tục là cầu nối mạnh mẽ để hai nước thực sự trở thành bạn của nhau trong tương lai?

Tôi tin TBT Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ đúng mong muốn của tất cả chúng ta khi ông nói với chúng tôi tại New York rằng: “Xây dựng tốt trường Đại học Fulbright Việt Nam là góp phần tăng cường khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Chúng tôi đang tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình triển khai với mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong Chính phủ Việt Nam để đảm bảo thêm các giấy phép hoạt động cần thiết.

FUV hiện đang bước vào giai đoạn mới. Trang web của trường sẽ được cho ra mắt vào cuối mùa hè này.

Kế hoạch tiếp theo là xây dựng khuôn viên FUV trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho VietNamNet!

Lan Anh

Ông Thomas Vallely cũng là Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), tổ chức chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng trường ĐH Fulbright Việt Nam. Nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho trường ĐH Fulbright. Theo đó, trường ĐH Fulbright sẽ được cấp 15ha đất tại Khu Công nghệ cao TP.HCM để xây trụ sở chính. 

>> Xem thêm các bài trong mạch Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ