Vừa rồi đích thân Tổng bí thư đã nổi trống lệnh. Tổng bí thư đã đánh trống rồi, xin hãy đánh tiếp, liên tục, liên tục.
LTS: “Nhà nước ta do Bác Hồ thành lập, chính thức ra đời ngày 2/9/1945 chứ không phải từ chế độ phong kiến. Đó là nhà nước “hầu dân”, “vì dân”. Cán bộ Nhà nước là đầy tớ, công bộc của dân. Thế nhưng bản chất vì dân đó đến nay đã bị một số người nhân danh, lạm dụng. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân để chỉnh sửa, trở lại với mục tiêu cao cả ban đầu mà Bác Hồ và các bậc tiền bối đã lựa chọn”- bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội trăn trở.
Thưa bà, QH khóa XIV chuẩn bị họp phiên đầu tiên. Có việc quan trọng nhất là kiện toàn nhân sự chủ chốt khóa mới. Điều quan tâm nhất của bà là vấn đề gì?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Mấy hôm nay dồn dập xảy ra nhiều chuyện khiến dư luận nóng lên. Có hôm buổi sáng đọc báo, mắt tôi mờ đi, máu lên, phải dừng lại uống thuốc. Nhiều chuyện xảy ra rất đáng lo lắng, mất ăn mất ngủ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương đã chỉ đạo trực tiếp. Đây là tiếng trống lệnh công phá vào những vụ việc nổi cộm, rất đáng mừng.
Tôi gọi điện cho anh Diệp Văn Sơn, nguyên vụ phó vụ Tổ chức cán bộ, nói anh hãy nghiên cứu cho rõ vì sao chính quyền của chúng ta ra đời ngày 2/9/1945 do Bác thành lập ban đầu là chinh quyền của dân, công bộc và đầy tớ của nhân dân nhưng đã chuyển qua trị dân và có nhiều tha hóa từ khi nào, nguyên nhân vì sao? Anh hãy nghiên cứu cho sâu cho tới đề tài này để tìm ra nguyên nhân, qua đó tìm ra cách giải quyết, xử lý.
Muốn xây dựng một nền hành chính thực sự là hành chính của dân, do dân và vì dân thì phải học lại bài học Bác Hồ đã dạy khi khai sinh ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945. Nhà nước này đâu phải sinh ra từ chế độ phong kiến mà lại có những kiểu rất phong kiến như “một người làm quan, cả họ được nhờ”, hay "cha truyền con nối", nhũng nhiễu nhân dân, cửa quyền…
Hiện tượng hành dân, nhũng nhiễu dân, ức hiếp dân có từ khi nào thì phải làm cho ra lai lịch, gốc tích để xử lý, giải quyết tận gốc. Kẻ tham nhũng học thuộc bài lắm nhưng họ không học gì từ tiền nhân đâu. Miệng thì nói vanh vách bài vở nhưng hành động ngược lại hoàn toàn. Đáng lo, đáng sợ như vậy đấy!
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu. |
Không triệt tiêu, nhóm lợi ích có thể thành maphia
Thưa bà, vì sao chúng ta đã có những quy định chặt chẽ nhưng không ngăn chặn được tham nhũng, lợi ích nhóm? Thậm chí có sự cấu kết, lũng đoạn cả trong công tác cán bộ? Khi xảy ra chuyện gì thì đều nghe câu “đúng quy trình”?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Điều này chỉ một phần thôi. Đúng là quy trình do chúng ta soạn chứ không lẽ ai soạn cho chúng ta? Và quy trình cũng do chúng ta đặt ra chứ không phải quy luật khách quan mà mình phải tuân theo.
Ví dụ, các quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là cần thiết, kể cả trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Vấn đề là đây đó có chuyện thực hiện, vận dụng sai.
Chủ trương của Đảng về luân chuyển cán bộ rất đúng. Nhưng người ta đã lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ này để cất nhắc, che chắn và đá lên cho phe nhóm, người thân.
Cán bộ phải sát dân, đi vào thực tế là đúng. Và phải chọn lựa ra người có tài có đức, có khả năng làm lãnh đạo tốt để đưa vào luân chuyển. Thực tế, đây đó có chuyện nhóm lợi ích đưa đẩy người trong phe cánh vào diện luân chuyển để mưu lợi. Họ lấp liếm chỗ này tưởng không ai biết. Tranh thủ lúc chính phủ nhiệm kỳ cũ đã hết, nhiệm kỳ mới thì mới bắt đầu nên không hay.
Tôi thực sự lo lắng lợi ích nhóm đã vượt ra ngoài khuôn khổ nhóm người, không chỉ ăn lén ăn lút mà còn ngang nhiên lũng đoạn cả bộ máy, lũng đoạn các quy trình đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phục vụ cho mục tiêu riêng, hủy hoại những giá trị và lợi ích chung. Nếu không ngăn chặn và triệt tiêu, nhóm lợi ích có khả năng trở thành maphia!
“Người lớn” làm hư hỏng “người trẻ”
Liên quan đến chuyện đề bạt, luân chuyển cán bộ, ngoài xã hội người ta kháo nhau rằng, cán bộ Trung ương và địa phương nhiều người bị “nhiễm” một căn bệnh giống như một tệ trạng đang ngày một lan rộng được ngụy trang bằng câu “trẻ hóa cán bộ”?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Đúng vậy, gọi chính xác là “trẻ quá” chứ không phải “trẻ hóa” đâu. Trẻ đến nỗi họ nhận thức đất nước này rất đáng lo, rất không bình thường chút nào. Cho nên tôi nói rằng hết sức băn khoăn công tác cán bộ là vậy.
Người ta nói “con hơn cha là nhà có phúc”, truyền thống cách mạng là đúng chứ không thể “cha làm thầy con đốt sách”. Nếu nhân sự trẻ đó được chọn thì phải là người xứng đáng. Chứ nếu cứ kiểu như cha làm chức này chức kia thì con cũng phải được chức kia chức nọ thì nguy lắm.
Liên quan đến nhân sự kế cận, lâu nay nhà nước ta đã tạo điều kiện để những người trẻ có cơ hội du học, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm rồi quay về phụng sự đất nước? Bà suy nghĩ thế nào về chủ trương này?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Tôi xin hỏi ai có tiền để đi học ở Mỹ ở Anh? Có con liệt sĩ đi học không? Có con nông dân đi học không? Có con công nhân đi học không?
Tôi rất khuyến khích con của nhân giàu có, có điều kiện đi học nước ngoài mang về những tinh hoa của nhân loại. Họ có tiền, họ đầu tư đào tạo cho con cái thì đỡ cho nhà nước.
Có nhiều đề án hàng tỷ đồng nhưng chủ đích những người đi đào tạo có kiểm tra, giám sát được không? Có đo lường kiến thức thu nhận được không? Có đo được lòng trung thành không? Hay là bị tây hóa? Cho nên tôi nói đó là con dao 2 lưỡi.
Tôi rất tán thành cho thoải mái đi học, khuyến khích dân chúng cho con đi học, tạo điều kiện và giúp đỡ cho con em nhân dân đi học. Nhưng với những người chúng ta lựa chọn để làm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, thì phải xoát xét lại đội ngũ đưa đi đào tạo bằng ngân sách nhà nước có bao nhiêu con liệt sĩ, con công nhân và con nông dân? Hay chỉ có con quan chức cấp cao?
Không khải không có chuyện người thân của quan chức cấp cao hỉ mũi chưa sạch đã bố trí ghế này ghế nọ. Tôi cũng nói thật, cán bộ ta dù cấp cao đi nữa thì cũng khó mà cho con du học tự túc nếu chỉ trông cậy vào lương. Đó là những điều chúng ta phải xem lại…
Chúng ta làm hư người trẻ chúng ta nếu cất nhắc một cách không bình thường, dù “đúng quy trình”! Tôi chả trách lớp trẻ mà thấy thương các cháu đang phải gánh nặng, bị đặt vào vị trí vượt quá khả năng và kinh nghiệm, vươt qua sự từng trải và rèn luyện.
Ở các thế hệ đi trước có rất nhiều trường hợp cha làm lãnh đạo, con cũng làm lãnh đạo mà không hề có sự phản ứng hay kêu ca. Ngược lại rất được đồng tình ủng hộ. Các nhà lãnh đạo ấy đã rất gương mẫu, kể cả trong giáo dục, rèn luyện con cái. Nhờ vậy mà Đảng ta đã có được những thế hệ lãnh đạo giỏi có tài có đức là vậy!
Vậy theo bà cần phải bắt đầu từ đâu để có thể tiếp tục ngăn chặn và triệt tiêu?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Phải xem lại quy trình lựa chọn, đề bạt cán bộ. Bắt đầu từ thi công chức.
Ở một địa phương, cần một công chức thì người thi hàng chục. Có công bố rộng rãi nhưng không hề vô tư khách quan. Nói ra đau lòng lắm. Nhưng nhắm mắt làm ngơ hay không nói thì không được. Đầu vào hay chính xác là đầu nguồn của chúng ta đang có nhiều chuyện phải bàn như thế thì làm sao chúng ta có nguồn cán bộ giỏi, có tài có đức đây?
Thật là đáng! Tôi mong rằng tất cả hãy đồng tâm hiệp lực ngăn chặn, chấn chỉnh không thì cả đất nước này rơi xuống vực thẳm.
Vừa rồi đích thân Tổng bí thư đã nổi trống lệnh. Quan trọng là đã có pháo lệnh tấn công vào nhóm lợi ích, tham nhũng …
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu: Tôi cũng mừng và cũng mong như vậy! Tổng bí thư đã đánh trống rồi, xin hãy đánh tiếp, liên tục, liên tục.
Tổng bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Công tác cán bộ là công tác của Đảng ta, không ai thay thế được.
Thành bại trong công cuộc Đổi mới, đi lên của đất nước thì không thể thiếu vai trò của cán bộ lãnh đạo nếu không nói là quyết định…
Xin chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe bà!
Quỳnh Mai