XEM VIDEO:

Sáng 10/10,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ kỷ niệm.

Tham dự lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành trung ương, TP Hà Nội; đại biểu quốc tế và các tỉnh, thành; đại biểu lão thành cách mạng, văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô...

W-_0829.jpg
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật tái hiện những khoảnh khắc lịch sử trong kháng chiến chống Pháp của quân, dân Thủ đô, khí thế hào hùng trong ngày giải phóng và những sự kiện lịch sử vẻ vang của Hà Nội trên hành trình 70 năm qua.

Trình bày diễn văn lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, Thủ đô Hà Nội luôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với những mốc son chói lọi đầy vinh dự, tự hào. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước điểm lại các sự kiện cách mạng tiêu biểu gắn liền với Thủ đô.

"Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ.

Hơn 40 vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui từ đây”.

W-_9988.jpg
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn lại lời kêu gọi của Bác Hồ nhân ngày giải phóng: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh…”.

Từ một TP có quy mô, diện tích, dân số tương đối nhỏ, kết cấu hạ tầng và kinh tế lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề sau giải phóng, Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, với thế và lực sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới "chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhấn mạnh về yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội. Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

W-_1108.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Đảng, Nhà nước mong muốn Thủ đô Hà Nội tiếp tục nỗ lực hơn nữa để trở thành tấm gương mẫu mực, tiêu biểu, là niềm tự hào của đồng bào và chiến sĩ cả nước như niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô thêm phát triển, làm gương mẫu, dẫn đầu cho nhân dân cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung cao độ mọi giải pháp, khơi thông mạnh mẽ nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...

Phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”, sớm trở thành TP kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới.

Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...

Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ, nhìn lại chặng đường 70 năm qua "chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng những chiến công, thành tích đã đạt được; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, giá trị của hòa bình và phát triển".

W-_0805.jpg
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

"Chúng ta tự hào vì có Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Càng thêm vững tin với sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước; vững tin vào sức mạnh từ cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là ý chí và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đại diện nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Thụ (92 tuổi, nguyên cán bộ Trung đoàn 102 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong) kể về hành trình tiếp quản Thủ đô.

W-Nguyễn Thụ_8418.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Thụ phát biểu.

Theo ông Nguyễn Thụ, trên đường trở về, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công tại khu vực Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhân dân từ các vùng tự do, vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức đổ ra chào đón đoàn quân chiến thắng.

Mỗi chiến sĩ khi đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Chiến thắng Điện Biên Phủ. "Đó thực sự là niềm vinh dự và vô cùng tự hào. Chúng tôi ai cũng nâng niu, trân trọng gắn chiếc huy hiệu ấy lên ngực trái, gần trái tim của mình, coi đây là kỷ vật vô giá, gìn giữ suốt đời và truyền lại cho con cháu mai sau”, ông Nguyễn Thụ bồi hồi xúc động.

Dừng chân tại Đền Hùng, ông và đồng đội vinh dự được gặp, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ chỉ huy, chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hà Nội như được hồi sinh. Hàng chục vạn người dân từ già tới trẻ tưng bừng đổ ra đường, mặc những trang phục đẹp nhất, mang cờ, hoa, hân hoan tự hào hát vang đón chào đoàn quân chiến thắng.

Ông Nguyễn Thụ nhắn nhủ với thế hệ trẻ cần biết trân trọng, nâng niu và ra sức học tập, lao động, cống hiến, quyết tâm giữ vững nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Phát biểu sau đó, nữ sinh Nguyễn Chi Phương (sinh viên xuất sắc Trường Đại học Luật Hà Nội) đại diện thế hệ trẻ bày tỏ sự trân trọng, biết ơn sự đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông để thế hệ trẻ hôm nay được hưởng thành quả tươi đẹp. 

W-Nguyễn Tri Phuơng_8427.jpg
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu.

Thế hệ trẻ được sinh ra lúc đất nước không còn chiến tranh, không được chứng kiến những giây phút lịch sử hào hùng khi đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 70 năm về trước, nhưng thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi công lao của biết bao người con ưu tú của Thủ đô và cả nước để có được ngày vui chiến thắng ấy.

Thế hệ trẻ nguyện mang khát vọng thanh xuân hòa cùng với khát vọng chung của Thủ đô và đất nước, góp phần xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.